Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai chưa rõ số phận, hai cổ đông 'bí ẩn' từng chi 1.650 tỷ mua 59 triệu cổ phiếu HNG, vừa vay 1.195 tỷ trái phiếu

Riêng về cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai, hiện vẫn chưa rõ số phận đi hay ở của mã cổ phiếu này trên sàn HoSE. Với kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp từ năm 2017 đến năm 2019 sau khi hồi tố, cổ phiếu HAG được cho là nằm trong diện phải hủy niêm yết bắt buộc.

Quyết định cuối cùng đang chờ HoSE công bố. Dù vậy, tính chung trong vòng một tuần qua, cổ phiếu của công ty bầu Đức vẫn tăng gần 17%.

Đáng chú ý, ở phiên hôm nay, cùng với trạng thái tăng trần thì khối lượng giao dịch tại mã này cũng rất lớn, đạt 35,3 triệu cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi phiên hôm qua và vượt xa bình quân giao dịch trong 3 tháng là 28,4 triệu cổ phiếu/phiên.

Từ đầu năm 2021, bầu Đức và HAGL đã nhượng quyền chi phối HAGL Agrico cho phía Thaco, chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị cũng vì thế chuyển giao cho tỷ phú Trần Bá Dương. Nguyên nhân là do các năm gần đây, HAGL Agrico liên tiếp thua lỗ, dòng tiền cạn kiệt khiến các kế hoạch đầu tư mới không đủ nguồn lực để tiếp tục phát triển. Trong khi đó, Thagrico (công ty nông nghiệp của Thaco) là một trong số chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico.

Sau một năm Thaco cầm lái, tình hình kinh doanh tại HAGL Agrico vẫn không sáng sủa hơn, kết thúc năm 2021, doanh thu giảm 50% xuống còn 1.200 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.120 tỷ đồng, cho dù năm trước có lãi 20 tỷ đồng. Do đó, lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã vượt ngưỡng 3.420 tỷ đồng. Ở diễn biến đáng chú ý, HAGL thời gian qua đã liên tục bán ra cổ phiếu HNG để trả nợ ngân hàng. Mới nhất, từ ngày 15/2 - 1/3, HAGL đã bán 25,4 triệu cổ phiếu HNG, hạ số lượng cổ phiếu HNG nắm giữ từ hơn 130 triệu đơn vị xuống còn hơn 104 triệu đơn vị, tương ứng hạ tỷ trọng từ 11,73% còn 9,4%. Ước tính số tiền thu về là trên 235 tỷ đồng.

Trước đó, với mục đích tương tự, HAGL cũng bán ra 48,1 triệu cổ phiếu HNG (từ ngày 17/1 đến ngày 10/2), ước tính thu về gần 470 tỷ đồng. Bầu Đức từng chia sẻ rằng, HAGL hiện xác định hai mục tiêu chính là cần vốn đầu tư mạnh cây chuối cùng con heo, và trả nợ ngân hàng. Vì thế, HAGL sẽ bán hết cổ phần HNG để thu hồi tiền về và mặt khác, HAGL không chủ trương là công ty tài chính, nên việc đầu tư lượng lớn vào cổ phiếu HNG cũng không có nhiều ý nghĩa.

Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (viết tắt là Công ty An Thịnh) vừa công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo đó, doanh nghiệp đã hoàn tất đợt phát hành lô trái phiếu ATLCH2224001 trị giá 650 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Ngày phát hành 11/2/2022, ngày hoàn tất 22/2/2022 và ngày đáo hạn 11/2/2024.

Dù vậy, các chi tiết về về lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ, bên thu xếp phát hành... đều không được chia sẻ rộng rãi.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (Công ty Cường Thịnh) cũng huy động xong 545 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm, hoàn tất trong ngày 22/2/2022 vừa qua. Bản công bố thông tin này ngắn gọn và không có dữ liệu nào thêm. Được biết, cuối tháng 2/2016, dưới thời Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico đã chào bán riêng lẻ 59 triệu cổ phiếu HNG cho 2 đối tác chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh, với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, thu về trên 1.650 tỷ đồng. Mức giá này cao gấp 3 lần thị giá của HNG lúc bấy giờ.

Đây là thương vụ thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, không chỉ bởi sức ảnh hưởng của bầu Đức, mà còn là thương vụ giá trị "khủng" đối với mảng nông nghiệp khi đó. Hơn nữa, thị trường càng "ngỡ ngàng" khi danh tính của hai nhà đầu tư được tiết lộ, họ đều là doanh nghiệp non trẻ cùng quy mô vốn hạn chế... với tổng vốn điều lệ chỉ 60 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty An Thịnh thành lập ngày 11/3/2014, còn Công ty Cường Thịnh là ngày 19/3/2014, cùng có địa chỉ tại tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, và cùng vốn sáng lập 30 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật Công ty An Thịnh là ông Nguyễn Công Thành (1982); còn ở Công ty Cường Thịnh là ông Bùi Quang Hoàn.

Với năng lực tài chính như vậy, chắc hẳn hai cổ đông này đã phải huy động dòng tiền từ bên ngoài để có thể tham gia "cuộc chơi" với bầu Đức. Dữ liệu VietnamFinance thu thập cho thấy, toàn bộ 59 triệu cổ phiếu mà HNG phát hành riêng lẻ cho Công ty An Thịnh và Công ty Cường Thịnh đã được đem thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại VPBank, vào giai đoạn tháng 4 - 6/2016, bao gồm toàn bộ cổ tức/lãi, quyền mua chứng khoán, các quyền và lợi ích vật chất khác phát sinh từ số chứng khoán này. Theo mệnh giá, tài sản bảo đảm này trị giá 590 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin của VietnamFinance, cuối năm 2016, Công ty An Thịnh ghi nhận dư nợ vay hơn 180 tỷ đồng, cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (30,1 tỷ đồng). Đáng nói, nợ vay nhảy vọt lên sát ngưỡng 880 tỷ đồng ở năm kế tiếp và duy trì như vậy đến cuối năm 2019, tương ứng 30 lần vốn của doanh nghiệp. Tuy hai mà một, cấu trúc tài chính Công ty Cường Thịnh cũng không có điểm khác biệt, dư nợ vay năm 2016 là 82,4 tỷ đồng, "nhảy dựng" lên 900 tỷ đồng vào cuối năm 2017 vào 2018. Năm 2019, doanh nghiệp có dấu hiệu cơ cấu lại nợ, qua đó nợ vay giảm mạnh còn 200 tỷ đồng, nhưng sau đó đã tăng lại hơn 580 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Lưu ý rằng, tổng nợ vay chỉ là một phần trong khối nợ phải trả của Công ty An Thịnh và Công ty Cường Thịnh. Ở Công ty An Thịnh, nợ phải trả tính đến hết năm 2019 lên tới 1.092 tỷ đồng, còn ở Công ty Cường Thịnh, nợ phải đã lên đến 1.117 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020, lần lượt cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 36,5 lần và 37,3 lần.  Sử dụng đòn bẩy ở mức đáng báo động, song cả hai doanh nghiệp đều không có hoạt động kinh doanh nào, doanh thu thuần luôn ở mức 0 đồng suốt cả giai đoạn này, lỗ/lãi hàng năm dao động khoảng vài triệu đồng.

Tổng Hợp