Cuộc chiến với COVID-19: chưa phân thắng bại

Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn chưa kết thúc cho đến khi chúng ta có vacxin, thuốc và một phác đồ điều trị hiệu quả.

Trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, việc phát sinh các ổ dịch mới kèm theo sự gia tăng trở lại các ca nhiễm làm dấy lên nỗi lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là mối nguy hiểm thách thức giới chức các nước khi mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

"Làn sóng thứ hai" của COVID-19 khi giãn phong tỏa

Khách xếp hàng dài trước một quán bar tại quận Gangnam, Soeul (Hàn Quốc) ngày 9/5. Ảnh: Yonhap
Khách xếp hàng dài trước một quán bar tại quận Gangnam, Soeul (Hàn Quốc) ngày 9/5. Ảnh: Yonhap

Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia được ca ngợi như tấm gương điển hình trong cuộc chiến đối phó với dịch COVID-19 khi số lượng ca tử vong có tỷ lệ tương đối thấp so với số ca mắc bệnh. Ngay từ đầu, hai nước đã triển khai việc xét nghiệm quy mô lớn.

Sau khi được cho là vượt qua đỉnh dịch, hai nước tuyên bố dần nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại cho thấy chính quyền hai quốc gia này vẫn gặp khó khăn khi tìm cách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.

Ngày 12/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã báo cáo 93 trường hợp mắc COVID-19 có liên quan tới một nam giới 29 tuổi, người đã đi đến 3 câu lạc bộ đêm ở khu phố Itaewon, Seoul trước khi được xác nhận dương tính với COVID-19.

Đây là số lượng ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay, làm thay đổi toàn bộ cục diện nới lỏng lệnh phong tỏa ở nước này. Hậu quả là hơn 2.100 quán bar và hộp đêm tại Hàn Quốc phải đóng cửa, trong khi các nhân viên y tế phải truy tìm ít nhất 1.940 người đã đến 3 câu lạc bộ trên và các tụ điểm xung quanh.

Trong khi đó, chỉ vài ngày sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, những số liệu mới cho thấy Đức dường như đang chứng kiến sự tăng tốc trở lại của dịch COVID-19.

Cơ sở xét nghiệm COVID-19 lưu động tại Heinsberg, Đức. Ảnh: AP
Cơ sở xét nghiệm COVID-19 lưu động tại Heinsberg, Đức. Ảnh: AP

Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã tăng lên 1,1, nghĩa là 10 người nhiễm bệnh lây trung bình cho 11 người khác. Tuy nhiên, nếu muốn khống chế dịch bệnh, con số này phải ở mức dưới 1. Đặc biệt, số ca nhiễm cục bộ liên quan đến các lò mổ và nhà dưỡng lão tăng vọt. Tại một lò mổ ở Coesfeld, ít nhất 180 công nhân được xác định dương tính với COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc cũng có xu hướng tăng trở lại. Ít nhất 11 ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận cuối tuần qua tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Đáng chú ý là ngày 11/5, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết thành phố Vũ Hán đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới.

Tương tự, giới chức Iran đã cảnh báo khả năng bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở nước này khi có thêm 51 ca tử vong sau gần một tháng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trên thực tế, thành công của nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19 lây lan cần sự hợp tác rất lớn từ người dân. Khi dân chúng đánh giá cao mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, họ sẽ có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ lây nhiễm giảm, kết hợp với việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân dễ có tâm lý chủ quan. Thế nhưng, khi COVID-19 vẫn đang tồn tại trong cộng đồng thì bất kỳ sự bất cẩn nào đều có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm. 

Ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra khuyến cáo cẩn trọng khi dỡ phong tỏa. Ảnh: WHO
Ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra khuyến cáo cẩn trọng khi dỡ phong tỏa. Ảnh: WHO

Để đối phó với mối đe dọa trên, một số chính phủ cảnh báo sẽ áp dụng lại các biện pháp kiểm soát nếu như người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều này nếu xảy ra thậm chí sẽ gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế so với lần phong tỏa đầu tiên.

Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần khuyến cáo các quốc gia cần nới lỏng phong tỏa một cách thận trọng để bảo vệ những thành quả đạt được trong cuộc chiến khó khăn chống dịch bệnh.

Nguy cơ vẫn hiện hữu

Tại Việt Nam, ngay cả khi đã thắng "chiến dịch" mở màn trong "cuộc chiến" chống dịch bệnh COVID-19, chính quyền luôn nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, nhất là những thời điểm kiểm soát tốt dịch bệnh.

Việt Nam vui mừng vì “những con số biết nói” cho thấy kết quả dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, học sinh đã quay trở lại trường… nhưng trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong. Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại.

Việt Nam không chủ quan dù có những kết quả tốt trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: Baophutho
Việt Nam không chủ quan dù có những kết quả tốt trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: Baophutho

Bên cạnh đó, COVID-19 rất “biến ảo”. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu. Không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần. Các chuyên gia đều cho rằng tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thực tế có thể chúng ta không ghi nhận những ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện ra được. Do chưa có vacxin, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại. Bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.

Coi chừng các xét nghiệm, vacxin và phương pháp điều trị COVID-19 lừa đảo

Trong khi có nhiều người Mỹ hiện đang trú ẩn ở trong nhà để giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19, họ có thể bị lôi cuốn mua hoặc sử dụng các sản phẩm còn trong vòng hồ nghi được tuyên bố là giúp chẩn đoán, điều trị, chữa khỏi, và thậm chí ngăn ngừa được COVID-19.

Vì COVID-19 chưa từng thấy ở người trước đây, nên hiện tại không có vacxin để phòng ngừa hoặc thuốc điều trị COVID-19 được Cục quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. 

Lợi dụng điều này, một số người và các công ty đang tìm cách thu lợi từ đại dịch bằng cách bán và tiếp thị bất hợp pháp các sản phẩm chưa được chứng minh, đưa ra tuyên bố gian dối, như có hiệu quả chống lại COVID-19.

Cẩn thận với các phương pháp điều trị COVID-19 lừa đảo. Ảnh minh họa
Cẩn thận với các phương pháp điều trị COVID-19 lừa đảo. Ảnh minh họa

Các sản phẩm lừa đảo này được tuyên bố là chữa khỏi, điều trị hoặc phòng ngừa COVID-19 vẫn chưa được FDA đánh giá về tính an toàn và hiệu quả và có thể nguy hiểm cho bạn và gia đình bạn.

Các sản phẩm COVID-19 lừa đảo có thể có nhiều loại khác nhau, bao gồm chất bổ sung cho chế độ ăn uống và các thực phẩm khác, cũng như các sản phẩm tự xưng là xét nghiệm, thuốc, thiết bị y tế, hoặc vacxin.

Vẫn chưa cho giải pháp điều trị, phòng ngừa COVID-19 chính thức

Theo AFP, hiện chỉ mới có một loại thuốc được cấp phép trong điều trị COVID-19 là Remdesivir do Mỹ sản xuất. Ngoài Mỹ, Nhật Bản là quốc gia thứ hai phê duyệt sử dụng loại thuốc này sau các thử nghiệm lâm sàng diện rộng cho thấy nó giúp rút ngắn thời gian hồi phục của các bệnh nhân xuống còn 1/3.

Loại thuốc sử dụng từ kháng thể có trong huyết tương những người khỏi bệnh mà Trung Quốc đang nghiên cứu được cho là còn tiến bộ hơn thế nữa. Không chỉ đẩy nhanh quá trình hồi phục, loại thuốc này còn giúp tạo ra miễn dịch trong ngắn hạn, cho phép các nhóm dễ bị lây nhiễm như y bác sĩ tuyến đầu có thể miễn nhiễm virus trong vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi sử dụng.

Hiện có khoảng 100 dự án phát triển vacxin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới. Trong đó Trung Quốc có 5 loại vắcxin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn còn chưa kết thúc cho đến khi chúng ta có vacxin, thuốc và một phác đồ điều trị hiệu quả căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này.

AN LY (t/h)

Trung Quốc có thể thống trị thế giới thời kỳ hậu COVID-19?

Trung Quốc có thể thống trị thế giới thời kỳ hậu COVID-19?

Sự thật là “lực bất tòng tâm", dù Trung Quốc có tham vọng, theo South China Moring Post.