Kinh tế Đức tăng trưởng trì trệ do nhu cầu yếu và chi phí năng lượng cao. Nhưng thách thức dài hạn lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện nay có thể đến từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học vốn đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước.
Giống như hầu hết các nền kinh tế phát triển, dân số Đức ngày càng già đi, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người về hưu và lực lượng lao động ít đi – một sự kết hợp đe dọa tăng trưởng kinh tế và tài chính công.
Tác động chưa nghiêm trọng tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng trong một báo cáo công bố vào hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo già hóa dân số có thể gây ra những tổn thất đáng kể trong vài năm tới.
Vấn đề không mới
Các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã biết rằng nhân khẩu học già nua của Đức sẽ làm tăng tỷ lệ phụ thuộc, tính bằng số người không làm việc trên mỗi lao động. Bây giờ, vấn đề này bắt đầu gây ra tác động rõ rệt.
Tỷ lệ phụ thuộc là một thước đo kinh tế cực kỳ quan trọng. Khi càng có ít người lao động so với phần còn lại của dân số, gánh nặng thuế đối với mỗi lao động càng cao và sản lượng bình quân đầu người càng thấp.
IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động hàng năm của Đức sẽ giảm 0,7% trong trung hạn, cao hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác. Đồng thơi, quốc gia này cũng sẽ chứng kiến lượng người nghỉ hưu tăng mạnh và số người nhập cư giảm.
IMF cho biết: "Dân số già sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính công khi tổng thu thuế ít đi, còn chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe tăng lên".
Hệ thống lương hưu của Đức xuất hiện từ năm 1889. Tỷ lệ người đang làm việc so với người về hưu đã giảm mạnh từ 6:1 xuống chỉ còn 2:1 kể từ những năm 1960.
Lực lượng lao động già hóa cũng là một vấn đề cần quan tâm. Mặc dù tác động là khác nhau tùy theo khu vực và ngành, nhưng có mối liên hệ tiêu cực giữa độ tuổi trung bình của người lao động và tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế tri thức.
Hậu quả
Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn, không chỉ với nước Đức. Nhật Bản là ví dụ điển hình của thế giới về dân số già, có tỷ lệ sinh thấp và lượng người nhập cư hạn chế trong nhiều thập kỷ. Phần lớn châu Âu cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Lấy Hy Lạp làm ví dụ. Quốc gia này có tỷ lệ sinh thấp nhất tại châu Âu khi ghi nhận số ca sinh ít nhất trong 92 năm trong 2022. Ý và Phần Lan cũng có tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.
Đức sẽ cảm nhận được tác động của suy giảm dân số sâu sắc hơn trong những năm tới khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh lâu dài của Đức, bao gồm đầu tư hạn chế và quan liêu.
Giải pháp
Biện pháp khả thi nhất để giải quyết tình trạng này, hoặc ít nhất là làm giảm tác động của nó, là tăng cường nhập cư quy mô lớn. Ví dụ, Vương quốc Anh chứng kiến lượng nhập cư kỷ lục trong những năm gần đây.
Jens Eisenschmidt, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Morgan Stanley, nói với Fortune hồi đầu tháng này: "Chìa cho vấn đề là thu hút người lao động nhập cư".
Nhưng ý tưởng này đang gây ra bất đồng chính trị, với các đảng cực hữu thường phản đối việc nhập cư ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Âu.
Một giải pháp thay thế là thúc đẩy các nhóm dân số Đức tham gia lực lượng lao động, chẳng hạn như khuyến khích nhiều phụ nữ làm việc toàn thời gian hơn. Ngoài ra, thay đổi hệ thống lương hưu cũng có thể giúp chính phủ giải quyết nghĩa vụ chi tiêu cao hơn cho người cao tuổi.
Một biện pháp khác là tận dụng công nghệ. Đức có kế hoạch tăng cường sử dụng robot và AI trong các công việc khát nhân lực hoặc có thể được hỗ trợ bằng công nghệ.
Trên thực tế, lực lượng lao động già đi là một thách thức quá lớn để có thể giải quyết bằng một biện pháp duy nhất, hoặc thậm chí một số biện pháp. Thay vào đó, các chính phủ và doanh nghiệp có thể sẽ cần phải thích ứng với nó, điều này đủ phù hợp đối với một vấn đề như tuổi già, sẽ đòi hỏi một số suy nghĩ dài hạn.
(Nguồn: Fortune)