Đề nghị Chính phủ giữ giá xăng ở mức 22.000 - 23.000/lít đến hết tháng 6/2022

Giá dầu thế giới tăng, trong bối cảnh cung - cầu xăng dầu trong nước mất cân đối, kéo theo giá xăng trong nước cũng bị đẩy lên cao.  Nhiều đề nghị Chính phủ giữ giá xăng ở mức 22.000 - 23.000/lít đến hết tháng 6/2022.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, xung đột Nga – Ukraine có thể kéo theo hệ lụy về giá dầu, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt việc giá dầu tăng vọt đang trở thành vấn đề lớn.

Cụ thể, trong 2 tháng gần đây giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 22.000 đồng/lít và hiện tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. "Không có ai nghĩ tới xung đột Nga - Ukraine và chưa ai biết bao giờ kết thúc. Đó là câu chuyện của cả thế giới kéo theo hệ lụy giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta khó đoán định vài tháng tới sẽ như thế nào", ông Mại nhấn mạnh.

Việc giá xăng dầu tăng kéo theo đó là các ngành vận chuyển hàng không, đường thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp vừa phục hồi giờ không thể tiếp tục vận chuyển vì không gánh nổi chi phí.

Từ đầu năm đến nay Việt Nam đã có 6 lần tăng giá xăng, và có thể còn có các đợt tăng giá tiếp. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Chia sẻ với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài và phức tạp. Giá năng lượng châu Âu, thế giới còn biến động khó lường. Do đó, vấn đề lớn nhất của Việt Nam tới đây là an ninh năng lượng. Đủ cung xăng dầu cho thị trường trong nước thì mới giải quyết được vấn đề giá.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mục tiêu của chúng ta bây giờ là hạn chế tăng giá xăng dầu vì nó ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam phải có nguồn dự trữ lưu thông và chiến lược.  "Việt Nam có thể dùng một phần dự trữ ngoại hối dồi dào như hiện nay để dự trữ xăng dầu thay vì trữ tiền. Khi đã có nguồn cung xăng dầu bảo đảm, các công cụ về thuế, phí, phương thức kinh doanh mua bán xăng dầu mới có thể được tính toán để điều chỉnh phù hợp. Tất cả phải hài hòa để làm sao hạn chế thấp nhất tác động của giá xăng dầu biến động hiện nay", ông Ánh nhấn mạnh.

Thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít xăng), song vẫn chưa có quyết định cuối cùng. "Phản ứng chính sách giá dầu phải nhanh hơn. Nếu chúng ta không có quyết sách mạnh kìm hãm giá xăng dầu thì nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội, vấn đề cần được quyết định nhanh chóng", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nêu quan điểm. Từ đó, ông Mại đề nghị Chính phủ giữ giá xăng ở mức 22.000 - 23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay giúp ngành giao thông vận tải phục hồi, nền kinh tế không bị đứt gãy do ngừng giao thông vận tải.

Bàn về câu chuyện ngân sách, theo ông Mại giảm giá xăng ở mức 22.000 - 23.000 đồng/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay, ngân sách thâm hụt bao nhiêu sẽ được bù lại từ nguồn thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguồn cung liên quan tới hoạt động vận tải... Đây là giải pháp tránh khủng hoảng kinh tế do giá dầu mà nhiều nước đã áp dụng. Bởi, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô của PVN thu được rất nhiều, ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.

Trong giai đoạn 2017-2021, thu từ dầu thô đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2-4%. Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất - nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng tăng lên làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần giảm thâm hụt ngân sách, nợ công.

Tổng Hợp