Điểm sáng thuận lợi đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhiều dấu hiệu tốt nhờ sự phục hồi kinh tế.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, thời điểm này rất thuận lợi và có điểm sáng là nguồn vốn FDI, xuất khẩu dương… tạo tiền đề tích cực cho BĐS phát triển. Mặt khác, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng kế hoạch, trong khi chi chưa nhiều. Điều này tạo dư địa giúp Chính phủ có thể thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chi cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, khoảng 80-90% thị trường BĐS nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo. Do đó các tỉnh, thành ven biển có lợi thế lớn để phát triển loại hình này. Hiện nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng bởi đây là “con gà đẻ trứng vàng”, khi chúng ta thu hút đông đảo khách du lịch trở lại. “Chúng tôi rất kỳ vọng BĐS và ngành du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng”, ông Châu bày tỏ.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú, có bờ biển dài, nhiều rừng núi đẹp để phát triển du lịch. Chúng ta có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, hàng năm đều thu hút một lớn lượng khách quốc tế đến du lịch. Mỗi năm lượng khách tăng trưởng 15%, nằm trong top 3 của 10 thị trường du lịch có sự phát triển nhanh nhất. Năm 2020, Chính phủ đề ra chiến lược phát triển du lịch. Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên có sự ngưng trệ nhưng từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa, chúng ta khống chế được dịch, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế. Tất cả điều trên tạo tiềm năng cho sự phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Bàn về pháp lý, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, với mục tiêu tạo thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững, Chính phủ đã xây dựng hệ sinh thái BĐS đồng bộ với các thị trường khác. Theo đó, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 18 của Trung ương là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 để đồng bộ với các luật khác có liên quan, tạo tiền đề định hướng sự phát triển của thị trường BĐS. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng sự đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Theo ông Châu, có 3 luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị. Tính chính danh của BĐS du lịch đã được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện.

Để bảo đảm an toàn cho cán bộ công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và khách hàng, ông Châu cho rằng cần thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo đó, phải sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013, đồng thời phải xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật. “BĐS du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS du lịch”, ông Châu nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐS, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 đang trên đà phục hồi tốt. Cùng với đó, thị trường BĐS cũng đang có nhiều dấu hiệu hồi phục về nhiều mặt. “Đó là lượng giao dịch BĐS tăng dần từ quý 1 sang quý 2; các sản phẩm BĐS không phát sinh hàng tồn kho; dòng vốn cho đầu tư BĐS ổn định”, ông Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định, không có chuyện Ngân hàng Nhà nước dừng hay siết dòng vốn đối với BĐS, mà chỉ có kiểm soát lại nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS để đảm bảo đúng đối tượng và an toàn. Về trái phiếu, các doanh nghiệp trong quý 2 vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu để đầu tư. Nguồn vốn FDI dành cho BĐS là điểm sáng trong giai đoạn hiện nay.

Tổng Hợp