Doanh nghiệp "khỏe mạnh" chỉ được chuyển nhượng dự án khi đã có sổ đỏ là không công bằng

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất "luật hoá" quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14. Doanh nghiệp "khỏe mạnh" chỉ được chuyển nhượng dự án khi đã có sổ đỏ là không công bằng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định một biện pháp là "bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng".

Điều này là đúng nhưng chưa đủ, mà cần bổ sung thêm biện pháp "bảo hiểm rủi ro" thông qua cơ chế hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm "chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm" là chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư "không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng".

Như vậy, khi bán, cho thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư có thể lựa chọn thực hiện "bảo lãnh ngân hàng" hoặc thực hiện "bảo hiểm bắt buộc" để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản "bình thường" muốn chuyển nhượng dự án bất động sản thì phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) theo điểm b khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai 2013  và theo khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định.

"Theo các quy định trên đây thì dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gây ra "nợ xấu" (do có chủ ý, hoặc không có chủ ý!?) tại các tổ chức tín dụng có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản thì lại được chuyển nhượng dự án khi đã có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản "khỏe mạnh" không gây ra "nợ xấu" thì chỉ được chuyển nhượng dự án khi đã có Giấy chứng nhận (sổ đỏ). Điều nay là không công bằng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chia sẻ.

HoREA  đề nghị "luật hoá" điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội, cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản khi đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này vừa tạo điều kiện vừa xử lý "nợ xấu" tài sản bảo đảm là bất động sản thế chấp tại ngân hàng thương mại, vừa áp dụng chung cho các hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản khác.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết đơn vị đã có văn bản gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng góp ý kiến về việc phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, HoREA chỉ rõ một số bất cập của cơ chế chính sách dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, ông Châu cho biết có những khu đất vàng trong khu vực trung tâm TP.HCM bị sử dụng lãng phí như khu đất có diện tích vài nghìn mét vuông tại đường Nguyễn Huệ bỏ không đã hơn 10 năm qua, không đưa vào đầu tư xây dựng kinh doanh. Cũng không trở thành cơ sở thương mại, dịch vụ, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho GRDP thành phố thì giá trị sử dụng của khu đất vàng này cũng bằng số 0.

Hoặc có những doanh nghiệp xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân, thậm chí có cả dấu hiệu đầu cơ đất đai đều dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo HoREA, có những "khu đất vàng" trong khu vực trung tâm thành phố, thậm chí có quy mô diện tích lên đến vài chục héc ta được chỉ định chủ đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân thì "chênh lệch địa tô" chủ yếu rơi vào "túi tư nhân". Điều này không được huy động đầy đủ vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng và cũng không thấy dành 20% quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Tổng Hợp