Toàn cảnh khai mạc lễ hội |
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đỗ Văn Mười, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hội cho biết: Lịch sử tôn vinh của quê hương Tổng Gối xưa nay là xã Tân Hội – huyện Đan Phượng vẫn còn in đậm trong cuốn Ngọc phả, ca ngợi ân đức lớn lao của ngài Văn Dĩ Thành.
Ông Đỗ Văn Mười, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hội |
Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm nay được tổ chức gắn với kỷ niệm 608 năm ngày hóa của đức Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành, với mục đích ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã khai thiên lập địa, có công lao với quê hương, đất nước; đồng thời góp phần khơi dậy truyền thống, lòng tự hào với quê hương và tỏ lòng biết ơn của người dân địa phương với đức Thành hoàng làng.
Để phát huy giá trị di tích và giữ gìn nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục quê hương, ông Mười mong muốn các cấp có thẩm quyền tôn tạo và quy hoạch tổng thể khu di tích Lăng Văn Sơn và tiến tới lập hồ sơ khoa học để công nhận Lễ hội Chèo tàu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đáp ứng lòng mong mỏi chính đáng của nhân dân, và tha thiết mong nhận được sự quan tâm của quý lãnh đạo cấp trên và các nhà sử học, các nhà nghiên cứ văn hoá sẽ có những chỉ đạo, quan tâm và nghiên cứu để đưa tên tuổi, tư tưởng, sự nghiệp của Đức thánh trở lại đúng vai trò trong chính sử.
Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 |
Theo truyền thống, phần lễ gồm các nghi thức: Lễ rước, dâng hương, tế lễ. Phần hội gồm có màn bắn pháo hoa, trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng và các hoạt động hát màn trống hội, múa rồng, lân, các trò chơi dân gian.
Nghi thức rước lễ Hàng Tổng và lễ của 4 thôn từ UBND xã về Lăng Văn Sơn |
Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người, gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. |
Bà chúa tàu khoảng 50 tuổi, phải là người giỏi múa hát, gia đình song toàn. Cái tàu và con tàu là gái thanh tân từ 13 – 16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu. |
Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. |
Nghi thức rước Lễ Hàng Tổng thu hút đông đảo người dân |
Câu lạc bộ Chèo tàu được phát triển rộng rãi trong nhân dân và được đào tạo nhiều lớp học hát nhằm đưa nghệ thuật hát Chèo tàu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong những ngày lễ hội, đình đám. |
Lễ Hàng Tổng được rước về Lăng Văn Sơn |
Nghi thức dâng hương lễ bái tại Lăng Văn Sơn |
Đông đảo bà con đội mưa vào Lăng Văn Sơn thăm hương |
Lăng Văn Sơn nơi yên nghỉ của danh tướng Văn Dĩ Thành được trở thành điểm thiêng của Tổng Gối, di tích đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính của người xưa để lại |
Một không khí hội xuân đặc biệt: Văn hoá dân gian, dân ca nghi lễ hát Chèo tàu duy nhất có ở di tích này đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn. |
Việc cúng lễ, mở hội, hát Chèo tàu mang màu sắc dân ca nghi lễ ít nhất cũng đã ra đời từ đó. Hát Chèo tàu đã trở thành một thể loại hát dân ca độc đáo ở đồng bằng Bắc Bộ. |
Theo kế hoạch, Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày tổ chức các trò chơi dân gian, thổi cơm thi, kéo co, giã giò, cờ tướng. |
Trong đó có 2 đêm ngày 14 và đêm ngày 15 tháng Giêng 23 - 24/2 (tức từ ngày 14 - 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) có trình diễn áo dài, hát Chèo tàu và văn nghệ chào mừng tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng). |