Dòng tiền sẽ đi về đâu?

Đó là câu hỏi của ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HD Bank tại diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề "Theo dấu dòng tiền".

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HD Bank, chính sách tiền tệ đã có tác động đối với thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Một số yếu tố đang tác động đến dòng tiền trên thị trường và thay đổi hướng đi của nó. 

Ông Nam chia sẻ, khó khăn về thanh khoản trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 có thể xuất phát từ việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi và thị trường chứng khoán giảm sức hút. Sự đóng băng của thị trường bất động sản và sự giảm mạnh của thị trường trái phiếu khiến nhà đầu tư chần chừ, không quyết định đưa tiền vào những kênh này.

Thực tế trên khiến dòng tiền chảy vào ngân hàng nhiều hơn, tạo nên thanh khoản lớn cho kênh này. Đồng thời, theo ông Nam việc Ngân hàng Nhà nước rút tiền về là một động thái hợp lý để giảm dư thừa thanh khoản trên thị trường mà không tác động đáng kể đến các chỉ số khác hay thị trường chứng khoán.

Ông Nam cũng nhấn mạnh rằng tâm lý của nhà đầu tư cá nhân có thể chưa đạt đến mức chuyên nghiệp, thiếu sự bình tĩnh. Tuy nhiên, ông không thấy điều này ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản của thị trường. 

Theo ông Nam, vấn đề về thanh khoản của thị trường chứng khoán chủ yếu đến từ sự hấp dẫn của thị trường và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như định hình tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới.

Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu? - Ảnh 1.

Ông Nam dự đoán lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ hiện tại đến cuối năm và sang quý 1/2024. Điều này cũng mở ra cơ hội để dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc đưa ra dự báo trong thời gian dài là khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Ông Nam lưu ý rằng hiện tại không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất, và lãi suất cho vay thường có độ trễ so với lãi suất tiền gửi. Các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất cho vay trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. 

Ông cũng nhấn mạnh room tín dụng ở các ngân hàng đã được điều chỉnh từ tháng 7 vừa qua, khi môi trường kinh tế và lãi suất trở nên tích cực hơn. Trong bối cảnh này, nhu cầu giải ngân vốn tín dụng dự kiến sẽ tăng, đồng thời, các ngân hàng thương mại đều có dư thừa thanh khoản.

Nhận định về thị trường chứng khoán cuối năm, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng có nhiều tín hiệu tích cực đến từ xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau được xem là một động lực tích cực khác.

Theo ông Thành, mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công có vẻ ít, nhưng cần hiểu rằng tác động của dòng vốn này luôn có độ trễ khoảng 5 tháng. Trong quý 1, gần như không giải ngân được, quý 2 chuẩn bị thì tới quý 3 và quý 4 mới là lúc tiền ra. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái, và do độ trễ của đầu tư công, con số 32 tỷ USD dự kiến sẽ tác động tích cực đến kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Ngoài ra, theo ông Thành việc Quốc hội phê duyệt ngân sách năm 2024 sẽ tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Dù quy mô đầu tư công sẽ giảm xuống khoảng 29 tỷ USD, đây vẫn là một con số lớn. Ông cũng nhấn mạnh về sự hồi phục của xuất khẩu và việc giảm thuế VAT 2% nếu được thông qua có thể là đòn bẩy tiếp theo cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ông Thành cũng đề cập đến một số lo ngại như áp lực tỷ giá khi USD tăng giá và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng áp lực này đã giảm khi đồng USD không còn tăng giá mạnh, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ mở rộng. Ông cũng nhận định rằng mặc dù lãi suất đã chạm đáy, nhưng nếu duy trì được trong cả năm 2024, đó sẽ là một tín hiệu tích cực.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho rằng thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động do tình hình kinh tế và chính trị thế giới không ổn định. Tuy nhiên, trong xu hướng giảm điểm chung từ tháng 9, thanh khoản đã dần cải thiện trong nửa cuối năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phải đối mặt với áp lực giảm điểm do sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lo ngại về ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, áp lực từ tỷ giá và các động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua việc bán tín phiếu.

Tuy nhiên, bà Bình cũng nhấn mạnh một số tín hiệu tích cực đối với thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có chiều hướng giảm, chính sách tiền tệ được điều hành một cách linh hoạt, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, cũng như các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ. Những yếu tố này có thể tạo ra điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong tương lai.

Bà Bình cũng cho biết, UBCKNN cam kết triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. 

VIÊN VIÊN