Cụ thể, giá dầu Brent tại châu Âu đã giảm xuống còn 18,1 USD/thùng trước khi phục hồi nhẹ ở mức 21,51 USD do thị trường dao động. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 của Mỹ được giao dịch ở mức âm 9,2 USD/thùng.
Trước đó một ngày, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, giữa bối cảnh tình trạng dôi dư nguồn cung tiếp tục trầm trọng do tác động của đại dịch COVID-19.
Thị trường dầu mỏ liên tục lao dốc trong những tuần qua do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước, khiến nhu cầu "vàng đen" giảm mạnh.
Cuộc khủng hoảng giá dầu càng trở nên tồi tệ hơn khi tranh cãi giữa Saudi Arabia và Nga xảy ra trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, cùng với các nguồn dự trữ đã kịch trần, quyết định của OPEC+ chưa đủ sức kéo giá dầu trở lại quỹ đạo. Giá dầu lao dốc đã khiến chứng khoán các nước vùng Vịnh đồng loạt giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, chỉ số trên thị trường chứng khoán Tadawul, của Saudi Arabia đã giảm 1,6%. Tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chỉ số chứng khoán trên Thị trường Tài chính Dubai và Abu Dhabi đã lần lượt giảm 3,3% và 2,7%.
Cùng chung xu hướng này, chỉ số chứng khoán tại Qatar đã giảm 1,4%. Còn tại Kuwait, chỉ số Premier và All-Shares đã lần lượt giảm ở mức 2,6% và 1,9%. Trước những diễn biến tiêu cực trên thị trường dầu mỏ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/4 khẳng định các nhà sản xuất OPEC+ có đủ các cơ chế để trao đổi với đối tác liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Do đó, các cuộc trao đổi sẽ được sắp xếp nếu cần thiết.
Ông cũng cho rằng nguyên nhân khiến giá dầu ngọt nhẹ Mỹ lần đầu tiên rơi xuống vùng âm là do các hoạt động đầu cơ, nhấn mạnh Chính phủ Nga có đủ mọi dự trữ cần thiết để bù đắp thiệt hại do giá dầu thấp.
(Nguồn: TTXVN)