Gia đình 5 người chỉ tiêu 10 triệu/tháng
Đây là chia sẻ đang nhận được nhiều quan tâm của một người vợ trong hội nhóm về quản lý tài chính và đầu tư. Với tổng thu nhập 19 triệu đồng/tháng, cách chi tiêu của cặp vợ chồng khiến nhiều người phải khen ngợi, vì tất cả đều quá chu toàn, không thiếu khoản nào.
Được biết, gia đình 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 con (1 bé 8 tháng tuổi, 1 bé 4 tuổi và 1 bé 10 tuổi). Cặp đôi cho hay họ đang sống ở một huyện thuộc thành phố Thái Nguyên nên chi phí sinh hoạt của nhà còn khá rẻ. Bên cạnh đó, chồng cô có trợ cấp xăng xe 500 ngàn đồng, còn con di chuyển bằng xe đạp nên cả nhà không tốn chi phí cho di chuyển hàng tháng.
Cặp đôi có mục tiêu tài chính là tích góp tiền xây nhà, nên luôn cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu hết mức. Cô vợ chia sẻ, dẫu họ đã chắt bóp đáng nể nhưng cặp đôi vẫn muốn tăng quỹ tiết kiệm lên thêm 2 triệu/tháng.
Dưới đây là mức chi tiêu trung 1 tháng của gia đình này:
Bảng chi tiêu trung bình 1 tháng của gia đình 5 người. Hàng tháng, cặp đôi có thể tiết kiệm được 10 triệu vì chỉ dùng 9 triệu cho chi phí sinh hoạt |
Khi được hỏi về bí quyết để chi tiêu tiết kiệm ở khoản mục ăn uống, cặp đôi cho hay hầu hết bữa sáng con ăn ở trường, còn bố mẹ thì không ăn sáng. Bên cạnh đó, họ thường mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần, đồng thời đặt mục tiêu dành 300 ngàn đồng cho chi phí mua mắm muối và ga. Nhờ đó, tiền ăn của gia đình 5 người chỉ tốn hơn 5 triệu đồng/tháng.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khen cho cách chi tiêu tiết kiệm của gia đình 5 người này. Ngoài ra, họ cũng khuyên cặp đôi thay đổi một số khoản mục chi tiêu để gia tăng chất lượng sống cho gia đình, chẳng hạn như 2 vợ chồng không nên bỏ bữa sáng, giảm tiền mua thuốc lá,... để không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Bác vén khéo như này rồi, còn muốn vén thêm 2 triệu nữa thì chi tiêu o ép bản thân quá không ạ?
- Lương 19 triệu, tiết kiệm hẳn 10 triệu, trong khi vẫn nuôi con nhỏ mà còn hỏi làm sao để tiết kiệm thêm thì chịu rồi.
- Chồng em lương 13 triệu mà nuôi 3 mẹ con, chưa tháng nào em dư ra được 3 triệu luôn. Các chị vén khéo thật sự.
- Người ta tháng kiếm 19 triệu, tiết kiệm được 10 triệu, còn mình tháng kiếm 10 triệu thì tiêu 11 triệu.
- Bạn nên bảo chồng ngừng hút thuốc lá đi. Mỗi tháng tiền hút thuốc lá 500 ngàn đồng là quá nhiều rồi. Nếu bỏ được khoản này thì tiết kiệm cũng được kha khá tiền rồi.
- Hai vợ chồng chị nên ăn sáng đi ạ. Cứ thế này thì sau tiền tiết kiệm không bù được tiền chữa bệnh đâu.
- Một mình em dự chi 1 tháng là 10 triệu, mà tháng này còn đau đầu vì tiêu hết sạch tiền và đi đám cưới. Chị chi tiêu quá giỏi rồi.
Dù bảng chi tiêu của gia đình rất khéo, nhưng cặp đôi vẫn bị "chê" 1 điểm là tiết kiệm tiền bằng cách bỏ bữa sáng |
Bí quyết để tăng quỹ tiết kiệm dành cho gia đình có con nhỏ
Nhìn bảng chi tiêu của gia đình trên, không khó để nhận ra từ tiền ăn, tiền học của con cho đến chi tiêu cá nhân của bố mẹ đều ở mức tối thiểu. Điều đó cho thấy nếu bạn muốn gia tăng tốc độ tiết kiệm thì tối giản chi phí ăn uống và mua sắm là điều quan trọng nhất.
1. Thiết lập ngân sách chi tiêu
Ngân sách chi tiêu rất quan trọng giúp bạn sử dụng tiền hợp lý, nên thực hiện việc này mỗi tháng và làm theo đúng các mục đã lên kế hoạch rõ ràng. Việc gia đình bạn cần làm là đảm bảo các khoản thu nhập dùng đúng mục đích, tránh phát sinh thêm chi phí.
Ví dụ: Mỗi lần đi mua sắm nên liệt kê cụ thể vật dụng cần mua và chỉ làm đúng theo những gì đã lên kế hoạch. Đặc biệt, tránh đến các địa điểm không có sản phẩm cần mua để hạn chế bị thu hút, gây ra chi tiêu không hợp lý. Tỉnh táo trước khi mua các món đồ giảm giá không có trong danh sách bởi sẽ gây ra chi tiêu lãng phí.
2. Thường xuyên theo dõi thu chi
Để nắm rõ tình hình tài chính của gia đình, hãy bắt đầu bằng việc ghi chép lại tất cả khoản thu và khoản chi của gia đình trên bảng tính Excel, hoặc ứng dụng quản lý thu chi. Hãy phân biệt chi tiêu thực sự cần thiết, có thể mang đến cơ hội tăng khả năng tài chính với những khoản chi không cần thiết, thậm chí lãng phí để không phí tiền vô ích.
Ví dụ: Bạn nên mua máy tính phục vụ công việc, thay vì chi tiền đi ăn hàng quá nhiều.
Đến cuối tháng, hai vợ chồng cùng xem xét lại báo cáo thu chi để xem dòng tiền đã hợp lý chưa, cần điều chỉnh thế nào. Từ đó, bạn lên kế hoạch chi tiêu cụ thể trong tháng, quý hoặc năm sắp tới.
3. Không được lơ là sức khỏe
Tiết kiệm, tối ưu chi tiêu chưa bao giờ đồng nghĩa với việc bỏ bê bản thân. Vài đồng để dành thêm được ấy có khi không đủ tạm ứng viện phí nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Thế nên, muốn tiết kiệm đến mấy cũng phải đầu tư chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Hóa ra những người “nghiện tiết kiệm” đều có 3 điểm chung này, càng ngẫm càng thấm thía: Có tiền mới có sự tự do, tự tại
Cuộc sống của những người đam mê tiết kiệm tiền sẽ như thế nào nhỉ?