Đây là nhận định của Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh - Vấn đề cấp bách” do tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức ngày 3/4.
Toàn cảnh hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" |
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia tài chính kinh tế, đại diện ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cơ quan truyền thông, báo chí.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho hay, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa tái khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu và là giải pháp để các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được các quốc gia hướng đến.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ |
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kết quả tín dụng xanh trên danh mục 12 ngành xanh là 620.000 tỷ đồng. Danh mục xanh ban hành năm 2017, gồm các lĩnh vực nông nghiệp xanh, lâm nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…
Những lĩnh vực xanh gần như bao quát và trùng lặp vào 10 ngành ưu tiên phát triển theo kế hoạch hành động quốc gia, dựa trên Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, có một số ngành, lĩnh vực mới giúp tăng tốc tăng trưởng xanh như hydrogen, song chưa có trong danh mục 12 ngành kể trên.
"Do đó, tôi nghĩ rất cần có một danh mục xanh đảm bảo tuân thủ và phù hợp phân ngành kinh tế Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế để thống kê đầy đủ các danh mục xanh này", Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên một trở ngại lớn là chưa có danh mục phân loại xanh để làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.
Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển. Dù vậy, một trở ngại lớn là chưa có danh mục phân loại xanh làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.
Về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định, việc ban hành danh mục phân loại xanh là bức thiết. Tuy nhiên, quá trình xây dựng danh mục sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt xác định cơ quan xác nhận phân loại xanh là các tổ chức độc lập, các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường hay các tổ chức tín dụng tự thực hiện.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vấn đề thực trạng, tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh tại Việt Nam. Qua đó đưa ra những vấn đề khó khăn, thách thức về mặt pháp lý đối với hoạt động tín dụng xanh, trái phiếu xanh, kinh nghiệm quốc tế trong phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Từ đó cho thấy tính cấp thiết ban hành Danh mục phân loại xanh, hệ lụy của việc chậm trễ ban hành danh mục này và những vướng mắc trong việc ban hành Danh mục phân loại xanh của Việt Nam; chia sẻ ý kiến về những quy định còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo về đề xuất giải pháp xử lý.