Số liệu trong bài viết trên căn cứ nguồn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cụ thể, các nhà phân tích đã xem xét mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội thực (GDP thực là thước đo tổng sản phẩm quốc nội đã điều chỉnh lạm phát, phản ánh giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ do một nền kinh tế tạo ra trong một năm nhất định) dựa vào dữ liệu trong giai đoạn 2012-2022 để tính mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua.
Theo đó, với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong một thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lần đầu đạt 53,22 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021. Nhờ vậy, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế. Trong nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, 7 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD; 8 sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD bao gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Riêng về gạo, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,3 triệu tấn với tổng trị giá 3,54 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 7% so với năm 2021. Đây là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất từ trước tới nay do giá tăng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ở mức 485 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Bài viết dẫn số liệu của Việt Nam cho thấy Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,3 tỷ USD, tương đương 25% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc với hơn 10 tỷ USD (18,9% thị phần); Nhật Bản với 4,2 tỷ USD (7,9% thị phần); Hàn Quốc với 2,5 tỷ USD (4,7% thị phần).
Ở cấp độ châu lục, châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27,4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.
Cũng theo bài viết, 5 nước đứng đầu danh sách 20 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm là Guyana (Nam Mỹ) ở vị trí số 1 với mức tăng GDP trung bình gần 15%. Đứng thứ 2 là Ireland (châu Âu) với hơn 9%, tiếp đến là Ethiopia (châu Phi) với 8,43%, Tajikistan (Trung Á) với hơn 7% và Côte d'Ivoire (Tây Phi) với hơn 6,8%, theo TTXVN.
Yếu tố chính đằng sau sự phát triển Guyana là sản xuất dầu
Guyana, nằm trên bờ biển phía đông bắc Nam Mỹ, đang nổi lên như một cường quốc kinh tế quan trọng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP thực tế của quốc gia này với dân số 800.000 người dự kiến sẽ tăng khoảng 38,4% vào năm 2023 (tính đến tháng 10/2023).
Năm 2015, công ty dầu khí ExxonMobil đã phát hiện các mỏ dầu đáng kể ngoài khơi Guyana. Lô được gọi là Stabroek có tổng khối lượng ước tính lên tới 10 tỷ thùng dầu.
Các mỏ dầu đóng vai trò trung tâm trong sự bùng phát căng thẳng hiện nay với Venezuela, khi quốc gia láng giềng này tuyên bố chủ quyền đối với khu vực phía tây sông Essequibo và do đó hầu hết vùng biển ngoài khơi Guyana.
(Nguồn: TTXVN/Oilprice)