Được phát hiện từ những năm 1930 tại một nghĩa trang tiền sử Vounous-Bellapais, chiếc bát Vounous từng bị vỡ thành hàng chục mảnh và được các chuyên gia được phục dựng lại gần như hiện trạng ban đầu. Hiện chiếc bát Vounous đang được trưng bày tại Bảo tàng Síp và tiếp tục thu hút sự chú ý từ giới nghiên cứu nhờ cấu trúc độc đáo và ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
![]() |
Chiếc bát có dạng lòng nông, đường kính 37 cm, cao 8 cm, với một lỗ thô hình chữ nhật bên cạnh có thể tượng trưng cho một ô cửa. Bên trong là một tạo hình khung cảnh sinh động, gồm 18 hình người, 4 con bò nhốt trong chuồng, cùng nhiều đồ vật và kiến trúc thu nhỏ.
Một điểm nổi bật là cấu trúc gồm 3 cây cột được nối bởi 2 thanh ngang có đường lượn sóng, có thể là tượng trưng cho một miếu thờ. Trước miếu là một người đang quỳ gối như thực hiện một hành vi mang tính nghi lễ. Một số nhân vật khác ngồi trên ghế dài với hai tay khoanh trước ngực, trong khi một người đội mũ miện ngồi trên ngai gợi liên tưởng đến một nhân vật có quyền lực.
![]() |
Trong một nghiên cứu năm 1994, Giáo sư Edgar Peltenburg thuộc Đại học Edinburgh từng nhận định rằng chiếc bát Vounous thể hiện 3 cảnh tượng riêng biệt: cảnh mục đồng chăn bò, hình ảnh thể hiện quyền lực nam giới với người đội mũ miện, và cảnh thể hiện giới tâm linh với hình người đang quỳ lạy. Theo ông, đây là minh chứng cho một xã hội đang trải qua sự phân cấp và hình thành cấu trúc quyền lực.
Bà Louise Steel, nhà khảo cổ học tại Đại học Wales Trinity Saint David, từng viết trong nghiên cứu năm 2013 rằng chiếc bát này có thể được sử dụng trong các nghi lễ cộng đồng, đặc biệt là trong các tang lễ phức tạp khi dân cư bắt đầu tổ chức những nghi thức quy mô lớn và giàu tính biểu tượng. Việc đắp nổi mô hình cảnh vật bên trong bát là điều cực kỳ hiếm gặp trong đồ gốm tiền sử đảo Síp, cho thấy vai trò đặc biệt của nó, có thể được dành riêng cho một cá nhân có địa vị cao trong cộng đồng.
Theo bà Steel, bát Vounous không chỉ là một hiện vật tang lễ, mà còn là công cụ giao tiếp mang tính biểu tượng trong thời kỳ chuyển mình của xã hội. “Chiếc bát gần như chắc chắn được trưng bày trong các lễ nghi quan trọng, phản ánh xu hướng gia tăng việc sử dụng biểu tượng trong các nghi thức tiễn đưa người chết”, bà nhận định.
![]() |
Dù mục đích cụ thể của chiếc bát vẫn là điều bí ẩn, giới chuyên gia nhất trí rằng chiếc bát Vounous mang giá trị khảo cổ học đặc biệt, mở ra những manh mối quý giá về đời sống tinh thần, quyền lực và nghi lễ của cư dân thời kỳ đồ đồng trên đảo Síp cổ đại.
Bí ẩn hài cốt trẻ sơ sinh dưới tượng “đá rồng” tiền sử ở Armenia
Việc phát hiện hài cốt trẻ sơ sinh dưới tảng đá rồng gần hồ Sevan có thể làm thay đổi những hiểu biết về nghi thức tang lễ trong xã hội Armenia thời đại đồ đồng.