Phát hiện này không chỉ mở rộng hiểu biết về nghệ thuật cơ thể thời cổ đại mà còn gây tranh cãi về tính ưu việt của công nghệ mới so với các phương pháp hiện có.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), nhóm nhà khoa học đã phân tích hơn 100 xác ướp từ nền văn hóa Chancay (900 - 1533 SCN). Chỉ ba trong số đó sở hữu những hình xăm tinh vi, với các đường nét siêu nhỏ dày chỉ 0,1 - 0,2mm, chỉ có thể nhìn thấy nhờ công nghệ huỳnh quang kích thích bằng laser (LSF).
LSF hoạt động bằng cách kích thích da phát huỳnh quang màu trắng sáng, làm nổi bật các đường mực xăm đen gốc carbon. Kỹ thuật này gần như loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của thời gian lên hình xăm như phai màu hay chảy mực, vốn là hạn chế của các phương pháp kiểm tra ánh sáng cực tím (UV) trước đây.
Những hình xăm được phát hiện chủ yếu là họa tiết hình học dạng tam giác, tương đồng với hoa văn trên gốm sứ và hàng dệt của người Chancay. Ngoài ra, còn có các thiết kế mô phỏng dây leo và động vật, cho thấy sự đa dạng trong nghệ thuật xăm của nền văn hóa này.
Họa tiết hình thoi trên ngón tay của một cá thể Chancay dưới ánh sáng trắng (trái) và LSF (phải), cho thấy các đường nét tinh tế. |
PGS.TS Michael Pittman từ Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông (Trung Quốc), đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Phát hiện này mở ra cơ hội tìm hiểu sâu hơn về vai trò xã hội của hình xăm trong văn hóa Chancay. Những họa tiết này có thể phản ánh địa vị hoặc vai trò đặc biệt trong cộng đồng".
Tuy nhiên, chuyên gia Aaron Deter-Wolf từ Bộ phận Khảo cổ học Tennessee bày tỏ nghi ngờ khi cho rằng nghiên cứu thiếu chi tiết về quy trình LSF và không chứng minh rõ ràng sự vượt trội so với công nghệ hình ảnh hồng ngoại hoặc đa phổ độ phân giải cao.
Bàn tay có hình xăm của xác ướp Chancay dưới ánh sáng trắng (trái) và LSF (phải). |
Deter-Wolf cũng không đồng tình với nhận định rằng một số hình xăm được thực hiện bằng kỹ thuật đâm thủng. Ông cho rằng các họa tiết này có thể được tạo ra bằng cách khía các đường ngắn song song rồi thoa sắc tố lên bề mặt da.
Dù còn nhiều tranh luận, việc áp dụng công nghệ mới như LSF vào khảo cổ học mở ra tiềm năng lớn trong việc tái khám phá những bí ẩn lịch sử. Nhà khảo cổ Kasia Szremski từ Đại học Illinois Urbana-Champaign nhận định: "Việc tái thẩm định các bộ sưu tập bảo tàng với công nghệ hiện đại có thể hé lộ nhiều thông tin quý giá về các nền văn hóa cổ đại."
Cánh tay của một cá nhân Chancay được xăm hình vảy dưới ánh sáng trắng (phía trên) và LSF (phía dưới). LSF cho thấy độ tinh xảo của đường nét tạo nên vảy (hình chèn). |
Nghiên cứu này không chỉ làm sáng tỏ kỹ thuật xăm hình từ hàng nghìn năm trước mà còn góp phần khẳng định sự sáng tạo và tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân Chancay. Như Szremski chia sẻ: "Những họa tiết phức tạp này chứng minh rằng người Chancay đã có những nghệ sĩ xăm hình bậc thầy. Đây là nghệ thuật không phải ai cũng có thể thực hiện".
Nhóm nghiên cứu hy vọng công nghệ LSF sẽ tiếp tục được áp dụng để khám phá thêm nhiều dấu ấn nghệ thuật cơ thể từ các nền văn minh cổ đại khác.
Nhà khoa học Trung Quốc đưa ra giả thuyết rất khác biệt về tổ tiên loài người
GS. Huang Shi(Trung Quốc) vừa đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác: Đông Á mới chính là nơi khởi nguồn của nhân loại.