Bí ẩn hài cốt trẻ sơ sinh dưới tượng “đá rồng” tiền sử ở Armenia

Việc phát hiện hài cốt trẻ sơ sinh dưới tảng đá rồng gần hồ Sevan có thể làm thay đổi những hiểu biết về nghi thức tang lễ trong xã hội Armenia thời đại đồ đồng.

“Đá rồng”, hay còn gọi là Vishapakar, là những tấm bia bằng đá bazan nguyên khối khổng lồ với chiều cao từ 1,5 đến hơn 5,5 mét.

Mỗi tấm bia được chạm khắc những hình ảnh động vật như cá, rắn hoặc các gia súc như bò, dê cừu, được xem là biểu tượng đại diện cho vishap – những con rồng nước thần thoại, là vị thần bảo vệ nguồn nước và sấm sét trong văn hóa dân gian Armenia.

Đá rồng tại Lchashen (được dựng ở lối vào Khu bảo tồn Bảo tàng Lịch sử - Khảo cổ học Metsamor) và hình chạm khắc trên đá.
Đá rồng tại Lchashen (được dựng ở lối vào Khu bảo tồn Bảo tàng Lịch sử - Khảo cổ học Metsamor) và hình chạm khắc trên đá.

Tới nay, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận khoảng 150 tượng đá rồng, phần lớn đặt trên các khu vực đồng cỏ hay núi non ở độ cao từ gần 2.000 đến hơn 3.000 mét. Đặc biệt, những tượng đá này thường xuất hiện gần khu vực có suối hoặc kênh đào, cho thấy một mối liên hệ nghi lễ giữa đá rồng và các nguồn nước.

Năm 1980, trong quá trình xây dựng gần một nghĩa địa cổ ở làng Lchashen, những công nhân đã phát hiện một tấm đá rồng cao hơn 3 mét, khắc hình một con bò bị hiến tế. Cuộc khai quật tại đây đã bất ngờ hé lộ một hố chôn cất niên đại từ thế kỷ 16 trước Công nguyên. Đây là ngôi mộ đặc biệt hiếm hoi trong hơn 450 mộ phần cùng thời kỳ, bởi nó được đánh dấu bằng một tấm đá rồng và chứa hài cốt trẻ sơ sinh.

Trong hố chôn, các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt của 2 trẻ sơ sinh, được tạm thời đặt tên là Dragon1 và Dragon2, cùng các hiện vật như đồ gốm sơn, kẹp tóc đồng, hạt ngọc hồng lựu, kim xương, mảnh obsidian và xương của một phụ nữ trưởng thành. Mặc dù hài cốt được khai quật từ những năm 1980, thế nhưng chỉ đến gần đây các nhà nghiên cứu mới có thể tiến hành phân tích đặc tính di truyền một cách chi tiết.

Hình tái thiết lăng mộ đá rồng. Vị trí của bộ xương và đồ gốm dựa trên bằng chứng từ các bức ảnh chụp thực địa và các điểm tương đồng từ các lăng mộ cùng thời khác tại Lchashen.
Hình tái thiết lăng mộ đá rồng. Vị trí của bộ xương và đồ gốm dựa trên bằng chứng từ các bức ảnh chụp thực địa và các điểm tương đồng từ các lăng mộ cùng thời khác tại Lchashen.

Bằng công nghệ phân tích giải mã DNA cổ đại, các nhà nghiên cứu phát hiện 2 trẻ sơ sinh này thực chất có quan hệ họ hàng bậc hai với trình tự ty thể giống hệt. Đây có thể là chị em cùng mẹ khác cha, dì – cháu gái, anh em họ kép hoặc bà - cháu. Tuy nhiên, mối quan hệ có nhiều khả năng nhất, theo các nhà nghiên cứu, là dì và cháu gái, hoặc trường hợp hiếm gặp là chị em cùng mẹ khác cha do hiện tượng siêu thụ tinh khác cha (heteropaternal superfecundation) – khi người mẹ mang song thai từ hai người cha.

Việc hài cốt trẻ sơ sinh được chôn dưới một tấm bia đá rồng lớn như vậy đặt ra nhiều câu hỏi về nghi thức tang lễ và tín ngưỡng về cái chết trong xã hội Armenia thời đồ đồng.

"Ở Armenia thời đại đồ đồng muộn nói chung và tại Lchashen nói riêng, việc chôn cất trẻ em rất hiếm, và việc chôn cất hai trẻ sơ sinh kết hợp với một bia đá hoành tráng là độc nhất vô nhị", nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, đây là trường hợp chôn cất trẻ em kết hợp tượng đài quy mô lớn duy nhất từng được ghi nhận tại Nam Kavkaz. Bia đá đôi khi được sử dụng để đánh dấu mộ, thế nhưng trong số hàng trăm mộ phần tại Lchashen, chỉ duy nhất ngôi mộ này gắn liền với một tấm đá rồng.

Những hiện vật được phát hiện từ ngôi mộ có đá rồng ở Lchashen
Những hiện vật được phát hiện từ ngôi mộ có đá rồng ở Lchashen

Hình ảnh con bò bị hiến tế khắc trên bia đá có thể mang ý nghĩa biểu trưng cho một cái chết mang tính văn hóa. Theo giả thuyết từ các nhà nghiên cứu, cuộc chôn cất này có thể là một kết quả một ca sinh khó hoặc là một nghi thức hiến tế linh thiêng, mặc dù chưa tìm thấy dấu vết bạo lực trực tiếp nào trên bộ xương mỏng manh của trẻ sơ sinh.

Khám phá này đã làm sáng tỏ vai trò của đá rồng trong đời sống tín ngưỡng thời đại đồ đồng, cho thấy chúng không chỉ là biểu tượng trang trí hay kỷ niệm, mà có thể còn gắn liền với các nghi thức tang lễ phức tạp chưa được hiểu hết.

TM (theo Archaeology)

Phát hiện xác ướp cổ niên đại hàng nghìn năm giữa lòng thủ đô Peru

Phát hiện xác ướp cổ niên đại hàng nghìn năm giữa lòng thủ đô Peru

Một xác ướp có niên đại hàng nghìn năm tuổi, thuộc nền văn hóa Chancay tiền Inca, đã được phát hiện tại khu vực phía Bắc thủ đô Lima trong quá trình thi công hệ thống ống dẫn khí đốt.