Bộ Giáo dục đề xuất học bổng hấp dẫn cho sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ chiến lược

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách học bổng mới cho người học các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ chiến lược, với mức hỗ trợ lên tới 7 triệu đồng/tháng, nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ảnh minh họa sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ chiến lược: ITN
Ảnh minh họa sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ chiến lược: ITN

Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ ngày càng trở thành đòn bẩy chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Đây là một bước đi quan trọng nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh lựa chọn theo đuổi những lĩnh vực có vai trò nền tảng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mức học bổng cụ thể cho từng cấp học

Theo dự thảo, các mức học bổng được thiết kế theo hướng phân tầng, gắn với thành tích học tập và hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có sự phân biệt giữa chương trình đại học, kỹ sư, tài năng, cao học và nghiên cứu sinh.

Đối với học viên chương trình kỹ sư chính quy, mức học bổng loại xuất sắc được đề xuất là 4.000.000 đồng/tháng, loại giỏi là 2.800.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng học bổng không vượt quá 4 năm đối với chương trình có dưới 150 tín chỉ và tối đa 5,5 năm đối với chương trình từ 150 tín chỉ trở lên.

Đối với học viên theo chương trình đào tạo tài năng, mức học bổng gấp 2 lần học bổng loại giỏi, tương đương 5.600.000 đồng/tháng.

Học viên cao học được đề xuất mức học bổng 5.000.000 đồng/tháng, kéo dài trong tối đa 2 năm học.

Nghiên cứu sinh được hỗ trợ ở mức 7.000.000 đồng/tháng, trong thời gian tối đa 4 năm, phù hợp với kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa của chương trình đào tạo.

Ngoài ra, học bổng sẽ được cấp thành hai đợt mỗi năm, trước ngày 30/4 và trước ngày 30/10. Người học các chương trình đại học, kỹ sư, kỹ sư vi mạch bán dẫn và chương trình tài năng được hưởng học bổng 10 tháng/năm, trong khi học viên cao học và nghiên cứu sinh được hỗ trợ 12 tháng/năm.

Tiêu chuẩn xét học bổng gắn với thành tích học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Dự thảo quy định rõ ràng các tiêu chí để xét học bổng, đảm bảo học bổng đến đúng người học có năng lực và đóng góp thiết thực cho nghiên cứu khoa học.

Học viên đại học, kỹ sư (học kỳ đầu) được xét học bổng loại xuất sắc nếu từng đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế do Bộ GD&ĐT cử tham gia. Học bổng loại giỏi áp dụng cho học sinh đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh trong vòng 3 năm trước khi nhập học.

Từ học kỳ thứ hai trở đi, học bổng loại xuất sắc yêu cầu điểm trung bình học kỳ từ 3,6 trở lên (thang 4,0), điểm rèn luyện loại tốt hoặc có kết hợp thành tích nghiên cứu khoa học. Học bổng loại giỏi yêu cầu GPA từ 3,2 trở lên hoặc từ 2,5 trở lên kèm thành tích nghiên cứu ở cấp trường.

Đối với chương trình kỹ sư vi mạch bán dẫn, học viên được mặc định nhận học bổng loại xuất sắc trong 4 học kỳ đầu. Từ học kỳ thứ 5, tiêu chuẩn tương tự như chương trình kỹ sư chính quy nhưng mức GPA yêu cầu thấp hơn (3,2 với học bổng xuất sắc, 2,5 với học bổng giỏi).

Học viên chương trình đào tạo tài năng được nhận học bổng ngay từ năm thứ nhất sau khi trúng tuyển. Từ năm thứ hai, học viên cần đạt GPA từ 3,2 trở lên hoặc có bài báo khoa học đạt 0,5 điểm theo khung điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Nghiên cứu sinh cũng được hưởng học bổng từ năm đầu tiên. Từ năm thứ hai, để tiếp tục nhận học bổng, nghiên cứu sinh phải có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc Web of Science, Scopus hoặc sách chuyên khảo có uy tín trong và ngoài nước, được đánh giá có đóng góp quan trọng cho luận án nghiên cứu.

Hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Chính sách học bổng đề xuất trong dự thảo Nghị định thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt như công nghệ thông tin, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật vi mạch… những lĩnh vực có tính quyết định đến tương lai công nghệ của đất nước.

Thực tế cho thấy, một trong những rào cản lớn khiến nhiều sinh viên giỏi không lựa chọn theo đuổi các ngành khoa học cơ bản là do áp lực tài chính và lo ngại về cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp. Việc có chính sách học bổng minh bạch, ổn định và có mức hỗ trợ đáng kể sẽ tạo điều kiện để người học yên tâm theo đuổi con đường học thuật, nghiên cứu.

Ngoài ra, việc yêu cầu người học đạt chuẩn đầu ra rõ ràng về học lực và nghiên cứu không chỉ là điều kiện sàng lọc mà còn là động lực để người học không ngừng nỗ lực, đóng góp vào hệ sinh thái tri thức quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Dự kiến, sau khi hoàn thiện và ban hành, chính sách học bổng này sẽ tác động trực tiếp tới hàng nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn mà còn khơi dậy tinh thần học thuật, đổi mới sáng tạo trong giới trẻ lực lượng nòng cốt cho phát triển bền vững quốc gia trong tương lai.

Hoàng Toàn

Việt Nam thông qua 5 Luật đột phá gỡ nút thắt, mở đường cho Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Việt Nam thông qua 5 Luật đột phá gỡ nút thắt, mở đường cho Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ngày 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo giới thiệu nội dung cơ bản của 5 luật quan trọng vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.