Phú Thọ hậu sáp nhập: Từ vùng ven đến trung tâm sản xuất chiến lược

Vĩnh Phúc sáp nhập Phú Thọ và Hòa Bình, hình thành tỉnh Phú Thọ mới – cú hích chiến lược định hình lại bản đồ công nghiệp và bất động sản trung du Bắc Bộ.

Với vị trí địa lý đắc địa – nằm sát Hà Nội, cách sân bay quốc tế Nội Bài chỉ 30 km và kết nối trực tiếp với các tuyến cao tốc huyết mạch như Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2, và vành đai 5 – Vĩnh Phúc từ lâu đã là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư sản xuất. Giờ đây, khi trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Phú Thọ mới, địa phương này càng củng cố vai trò là “cửa ngõ công nghiệp” phía Tây Bắc, nơi hội tụ đủ các yếu tố: hạ tầng, nhân lực, chính sách và dư địa phát triển.

Trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Vĩnh Phúc đã chứng minh được sức hút mạnh mẽ của mình. Theo báo cáo quý II/2025 của Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung đất khu công nghiệp tại tỉnh đạt khoảng 1.630 ha, với tỷ lệ lấp đầy 66% và giá thuê sơ cấp trung bình ở mức 131 USD/m²/chu kỳ thuê – thấp hơn đáng kể so với Hà Nội (180 USD) và cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm công nghiệp lớn như Bắc Ninh (162 USD) hay Hải Phòng (142 USD). Đây là một lợi thế rõ rệt trong bối cảnh chi phí đang là yếu tố then chốt trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp toàn cầu...

Nguồn: Cushman & Wakefield, Dữ liệu ghi nhận trước sự kiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố ngày 1/7/2025.
Nguồn: Cushman & Wakefield, Dữ liệu ghi nhận trước sự kiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố ngày 1/7/2025.

Không chỉ dừng lại ở đất công nghiệp, thị trường nhà xưởng xây sẵn (RBF) tại Vĩnh Phúc cũng đang phát triển nhanh chóng. Với hơn 636.000 m² nguồn cung tích lũy, tỷ lệ lấp đầy đạt 76% và giá thuê trung bình chỉ 4,9 USD/m²/tháng, Vĩnh Phúc đang trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm giải pháp sản xuất linh hoạt, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hạ tầng.

So với Bắc Ninh có nguồn cung lớn nhất với hơn 1 triệu m² và giá thuê 5,1 USD/m²/tháng; Hải Phòng đạt 1,53 triệu m² với giá thuê 5,24 USD; trong khi Hà Nội có giá thuê cao nhất là 5,74 USD/m² nhưng nguồn cung chỉ khoảng 125.700 m². Nhờ đó mà tỉnh nổi bật nhờ quỹ đất còn dồi dào và khả năng mở rộng nhanh chóng của nhiều chủ đầu tư có tiềm lực mạnh mẽ.  

Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield Q2 2025, tập đoàn CNCTech Industrial hiện nắm giữ số lượng nguồn cung nhà xưởng lớn nhất tỉnh, với 700.000 m2 sàn đang hoạt động và dự kiến sẽ đạt 2 triệu m2 nhà xưởng đến năm 2026.

Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt dưới tác động của chính sách thuế quan mới từ Mỹ – với mức thuế lên tới 40% đối với hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc – đang thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, nhờ vào lợi thế vị trí địa lý, chi phí thấp và cơ sở hạ tầng sẵn sàng. Các tỉnh cửa ngõ như Vĩnh Phúc, nay sáp nhập cùng Phú Thọ, đang trở thành một ‘thỏi nam châm’ thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư.”.

Nửa đầu năm 2025, công tác xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tỉnh đã cấp mới 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 78 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 28 dự án với tổng vốn bổ sung 272 triệu USD. Tổng vốn đầu tư FDI đạt 350 triệu USD, vượt 103% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đầu tư trong nước (DDI) cũng ghi nhận 2.600 tỷ đồng vốn đăng ký mới, tăng 153% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nguồn lao động tại Vĩnh Phúc cũng là một lợi thế không thể bỏ qua. Tính đến quý I/2025, toàn tỉnh có hơn 251.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó gần 68.000 người thuộc ngành điện tử, 54.000 trong ngành dệt may – da giày và hơn 10.000 trong ngành ô tô – xe máy. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81%, thu nhập bình quân gần 11 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến từ năm 2025, tỉnh cần tuyển thêm 20.000–25.000 lao động mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp.

Tất nhiên, vẫn còn những thách thức cần vượt qua. Chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh đạt 68,29 điểm, xếp hạng 25 toàn quốc – giảm 10 bậc so với năm trước. Một số chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức và tính năng động của chính quyền vẫn cần được cải thiện. Do đó, việc sáp nhập ba tỉnh không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính mà còn mở ra cơ hội hình thành vùng công nghiệp liên kết, tận dụng thế mạnh từng địa phương. Chính quyền đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, giao thông và logistics, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư lớn.

Song song đó, khu vực cũng đang vươn lên thành trung tâm du lịch sinh thái hàng đầu miền Bắc với các điểm đến nổi bật như Tam Đảo, hồ Đại Lải, Tây Thiên… và hơn 40 dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn đang triển khai. Những dự án này không chỉ nâng tầm hình ảnh địa phương mà còn bổ trợ đắc lực cho hệ sinh thái công nghiệp – đặc biệt trong việc thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Sự kết hợp giữa công nghiệp – logistics – du lịch tạo nên một mô hình phát triển đa trục, giúp nơi đây không chỉ là nơi đặt nhà máy, mà còn là nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư lâu dài. Vĩnh Phúc với nền tảng công nghiệp vững chắc, Phú Thọ với tiềm năng văn hóa – du lịch, và Hòa Bình với tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ cùng nhau tạo nên một cực tăng trưởng mới tại miền Bắc Việt Nam.

Viên Viên

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Hội nghị P4G Việt Nam 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn Đối thoại Chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.