Nhắc đến việc quản lý chi tiêu, chắc hẳn phần lớn mọi người đều biết và đều tin rằng việc ghi chép lại các khoản chi từ nhỏ đến lớn là điều bắt buộc. Có làm được điều này, chúng ta mới có "cơ sở dữ liệu’ để nhìn lại thói quen chi tiêu của bản thân, và nhận ra những khoản chi có phần hơi vô nghĩa, quá đà; từ đó, việc "siết" lại hầu bao mới hiệu quả.
Bắt đầu quản lý chi tiêu bằng việc hình thành thói quen ghi chép chi tiêu là đúng, không có gì đáng bàn. Nhưng liệu đó có phải là cách duy nhất hoặc cách hiệu quả nhất hay không?
Với câu hỏi này, Ngọc Mai (25 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội khẳng định một câu chắc nịch: "Mình chẳng bao giờ ghi chép các khoản chi và cũng chưa có tháng nào bội chi, âm lương, càng không nợ nần".
Sau đó, Ngọc Mai tiết lộ bí quyết quản lý chi tiêu hiệu quả mà không cần ghi chép của cô chỉ gói gọn trong 2 từ: Phân luồng và chọn điểm đến.
Cách phân luồng dòng tiền của Ngọc Mai |
"Ngay sau khi nhận lương, mình sẽ phân luồng dòng tiền rồi sau đó chuyển số tiền của từng nhu cầu cụ thể vào các tài khoản khác nhau. Hiện tại, mình đang dùng ví điện tử, thẻ ATM và tiền mặt. Đây chính là 3 điểm đến của dòng tiền của mình sau khi phân luồng".
1 - Chuyển khoản tiền nhà và tiền sinh hoạt phí
Ngay sau khi nhận lương, Ngọc Mai sẽ chuyển khoản cho chủ nhà tiền thuê nhà cùng tiền phí dịch vụ của tháng đó ngay cả khi chưa đến hạn phải đóng.
"Trước sau gì khoản tiền ấy cũng bay khỏi tài khoản thôi mà, nên mình thường đóng ngay vào ngày nhận lương để tiện đường quản lý số tiền còn lại" - Ngọc Mai chia sẻ.
2 - Chuyển tiền ăn vào ví Momo
"Mình thường đặt đồ ăn và chọn hình thức thanh toán qua ví Momo nên tiền ăn của cả tháng mình đều để trong ví Momo hết. Khoảng 10 ngày cuối tháng, mình sẽ dùng số tiền còn lại trong ví Momo để đi siêu thị mua đồ về tự nấu, vì 20 ngày trước đó ăn hàng là đã ngốn gần hết số tiền ăn cả tháng rồi.
Ngọc Mai |
10 ngày cuối tháng mà cũng ăn hàng thì tiền ăn hàng tháng vượt quá 35% thu nhập tháng mất, không được, nên đành phải tự nấu" - Ngọc Mai thú nhận và cho biết thêm siêu thị cô hay đi mua đồ cũng cho phép thanh toán qua ví Momo, nên để tiền ăn cả tháng trong ví điện tử này là tiện quản lý nhất.
3 - Rút tiền mặt để đổ xăng
Ngọc Mai đổ xăng 1 lần/tuần và luôn dùng tiền mặt để trả vì cây xăng thường đông, chuyển khoản không tiện và không phải cây xăng nào cũng cho chuyển khoản. Vì thế, ngay sau khi nhận lương, Ngọc Mai sẽ rút 2% thu nhập dưới dạng tiền mặt, cất trong ví để dành cho 4 lần đổ xăng trong tháng.
4 - Chuyển tiền mua sắm vào tài khoản ShopeePay
Ngọc Mai chỉ trung thành với sàn TMĐT này nên khoản tiền mua sắm hàng tháng, cô bạn sẽ chuyển hết vào tài khoản ShopeePay.
"Mình chủ yếu mua quần áo và mỹ phẩm, đồ dưỡng da. Cũng có những tháng mình không tiêu hết tiền trong quỹ mua sắm. Phần tiền còn dư, mình sẽ chuyển vào tài khoản ATM dùng để trữ tiền mua vàng".
5 - Chuyển tiền tích lũy mua vàng vào thẻ Techcombank
Đây là tài khoản ngân hàng mà Ngọc Mai dùng để "trữ tiền mua vàng". Hàng tháng, cô sẽ trích 10% thu nhập để chuyển vào thẻ Techcombank. Các khoản tiền dư ra từ những đầu mục khác cũng "hội tụ" hết ở đây.
"Mình có thói quen tích tiền để mua vàng cũng phải được hơn 2 năm rồi, nhưng mình không mua hàng tháng, mà sẽ gom đủ tiền để mua 3 hoặc 5 chỉ một lần" - Ngọc Mai chia sẻ.
Thẻ ATM của VP Bank là để nhận lương, thẻ ATM của Techcombank là để tích tiền mua vàng (Ảnh: NVCC) |
6 - Gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm
Hàng tháng, Ngọc Mai sẽ trích 15% thu nhập để gửi tiết kiệm. Việc này đã được duy trì hơn 3 năm.
"Mình không có máu đầu tư và thú thật là cũng lười tìm hiểu kiến thức để đầu tư nên mình chỉ chọn mua vàng và gửi tiết kiệm thôi. Lãi suất tiét kiệm có giảm, mình vẫn gửi đều, một phần vì quen gửi tiết kiệm rồi, một phần vì nếu không gửi, chắc chắn mình sẽ tiêu hết" - Ngọc Mai giải thích.
7 - Chuyển khoản tiền phòng thân cho chị gái
Sở dĩ, Ngọc Mai không giữ khoản tiền này vì cô cho rằng tiền phòng thân là để dùng cho những lúc ốm đau hoặc không may bị tai nạn.
"Giả sử nếu mình bị ốm, bất tỉnh nhân sự mà tiền phòng thân mình lại là người giữ, thì lúc đấy lại phiền toái đến người thân. Bố mẹ và chị mình hoàn toàn có thể lo cho mình được nhưng mình không muốn như vậy, nên tiền phòng thân mình sẽ gửi cho chị gái. Mình ở gần chị, không may có biến cố thì chị sẽ dùng tiền đó để lo cho mình".
Sau đó, Ngọc Mai còn cho biết thêm bản thân cô "trộm vía" khỏe, rất ít khi ốm hay bị tai nạn nên thường thì khoản tiền phòng thân này không dùng đến.
"Cứ 6 tháng 1 lần, chị mình sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền phòng thân mình đã gửi. Mình sẽ dùng số tiền này để đi du lịch hoặc đi học thêm những bộ môn mình thích như học vẽ hoặc học yoga chẳng hạn" - Ngọc Mai giải thích.
Tạm kết
Với cách phân bổ luồng tiền và chọn điểm đến của từng khoản chi như đã chia sẻ, hiện tại, Ngọc Mai đang dùng 2 ví điện tử, 2 thẻ ATM để quản lý tài chính cá nhân.
"Tiền đã ở nơi nó cần ở rồi, nhu cầu của mình cũng chỉ có nhiêu đó thôi. Giả sử hôm nay lỡ ăn một bữa sang quá thì hôm sau mình tem tém lại, nhìn vào số dư của "điểm đến" của từng dòng tiền mà cân đối chi tiêu, chứ ghi chép cụ thể chi tiết thì mình lười lắm. Với mình thì mọi thứ cứ phiên phiến thôi, mình không bội chi, cũng không đến mức âm tiền hàng tháng hay có nợ, thế là mình hài lòng" - Ngọc Mai khẳng định.
5 bẫy chi tiêu “chôn vùi” tuổi xuân, khiến bạn mãi không thể thoát nghèo
Thử kiểm tra xem mình đang “chôn chân” trong bao nhiêu trên 5 bẫy chi tiêu này?