Mỹ: Khó khăn mới dần hiện hình, VinFast sẽ phải vượt qua

Thị trường xe điện đã phát triển rất mạnh nhưng sắp đến giai đoạn "càng lên cao càng khó".

Sau khi niêm yết trên NASDAQ, cổ phiếu VinFast đã có tăng mạnh từ giá 10,45 USD ban đầu. Đỉnh điểm, cổ phiếu VinFast đã có lúc lên tới hơn 37 USD, đưa giá trị vốn hóa của VinFast đạt 85,5 tỷ USD - một con số rất lớn.

Hiện tại, VinFast chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường trên tổng số 2,3 tỷ cổ phiếu. Phần lớn số cổ phiếu này thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup, và hiện chưa giao dịch. CEO VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, cũng cho rằng con số hơn 85 tỷ USD nằm ngoài sức tưởng tượng của bà. 

Với tiềm lực kinh tế tăng theo sau màn IPO, VinFast giờ đây có thêm cơ hội tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Trước khi VinFast chính thức niêm yết trên NASDAQ, bà Lê Thị Thu Thủy phát biểu: "Cùng với việc niêm yết ngày hôm nay, VinFast sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường quốc tế, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới và đem các sản phẩm xe điện đến gần hơn với tất cả mọi người."

Tuy nhiên, tại Mỹ - thị trường quốc tế trọng điểm của VinFast, một khó khăn mới đang dần hiện hình, là trở ngại mà Ford và Tesla cũng đang cố gắng vượt qua.

NĂM NAY SẼ BÙNG NỔ?

Kể từ khi Tesla cho ra mắt Model S, quan điểm của thế giới về xe điện đã thay đổi, rằng xe điện có thể đẹp và tươm tất, có thể sử dụng hàng ngay và có thể tốt hơn cả xe sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, suốt nhiều năm sau đó, doanh số xe điện vẫn chỉ khoảng 1% trên tổng doanh số toàn thị trường. Lý do được cho là bởi khách hàng không có nhiều lựa chọn và cũng chưa nhiều người sẵn sàng với xe điện. 

Song, khi một "chuỗi sóng thần" mang tên xe điện từ năm 2020 mang theo hàng tá mẫu xe mới thì xe điện đã tăng trưởng mạnh. Theo Business Insider thì tại Mỹ, doanh số xe điện đã đạt kỷ lục vào năm ngoái khi chiếm 6% tổng toàn thị trường, sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục vào năm nay khi trong tháng 6 vừa rồi, doanh số xe điện đã chiếm tới 9% - theo JD Power. 

Bên cạnh sự đa dạng về mẫu mã, phải kể tới trạm sạc và các chính sách thúc đẩy từ ngành công nghiệp đã khuyến khích khách hàng chấp nhận sử dụng xe điện.

Cùng với đà tăng trưởng mạnh đó, không ngạc nhiên khi "vua xe điện" Tesla đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng: Sản xuất 2 triệu xe trong năm 2023. Ngoài Tesla, Ford cũng đã từng đặt mục tiêu sản xuất 600.000 xe điện trong năm nay, General Motors thì 150.000 chiếc.

Tesla Model S đời 2012.
Tesla Model S đời 2012.

Trong khi xe điện từng được cho là mọc lên như nấm sau mưa, những cơn mưa xuân giờ đây đã đi tới những trận cuối cùng - là khi ngành xe đã bán cho gần hết nhóm khách hàng "early adopters".

Theo mô hình Diffusion of Innovation (DOI), còn gọi là Mô hình khuếch tán cải tiến, do Everett Rogers đề xuất từ năm 1962, có 5 nhóm khách hàng khi một sản phẩm hoàn toàn mới xuất hiện trên thị trường: Innovators (Người đổi mới), Early Adopters (Người dùng đầu tiên), Early Majority (Số đông chấp nhận sớm), Late Majority (Số đông chấp nhận trễ), và Laggards (Người bảo thủ).

Thuyết DOI của Everett cũng đưa ra định nghĩa chung cho từng nhóm khách hàng và có thể diễn giải cho riêng từng sản phẩm. Đối với xe điện, trong khi Innovators là nhóm khách hàng sẵn sàng và có điều kiện để mạo hiểm sử dụng xe điện, Early Adopters thường là những người có sức ảnh hưởng tới một cộng đồng nhất định. Dù nhóm Innovators mới thực sự là những người đầu tiên sử dụng xe điện, nhưng nhóm Early Adopters lại có công đưa xe điện trở nên phổ biến hơn trên đường.

Đồ thị chuyển đổi dùng xe điện dựa trên mô hình DOI. Nguồn: exro
Đồ thị chuyển đổi dùng xe điện dựa trên mô hình DOI. Nguồn: exro

CÀNG LÊN CAO CÀNG KHÓ

Cũng theo Business Insider, nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng nhóm khách hàng Early Adopters tại Mỹ đã dần hết và khó khăn mới với các nhà sản xuất xe điện đang tiến tới gần. 

Dấu hiệu cho việc này được cho là khi Ford bắt đầu điều chỉnh phân bổ của mẫu SUV thể thao Mustang Mach-E, bởi đã có quá nhiều xe nằm tại kho. Sau đó, Ford cũng đã phải thay đổi sản lượng sản xuất của mình, và điều này đã phản ánh sự thay đổi về thị trường.

Ông Sam Fiorani, Phó chủ tịch AutoForecast Solutions - công ty phân tích và dự báo về ngành xe toàn cầu, cho biết: "Mức tăng trưởng dữ dội như ta từng thấy trong vài năm qua sẽ không thể giữ được mãi. Đó là điều không thể. Đường tăng trưởng càng đi lên cao thì càng khó để chúng ta đi tới giai đoạn tiếp theo". 

Nếu như nhóm Early Adopters có thể dễ dàng chấp nhận những bất cập khi sử dụng xe điện, nhóm Early Majority lại có xu hướng khác: Họ thực tế và có lý trí hơn khi đưa ra quyết định. Business Insider nhận định rằng các nhà làm xe điện sẽ gần như không thể đưa ra đoán định về nhu cầu thị trường trong những năm tới khi tiếp cận nhóm khách hàng mới này.

Ford F-150 Lightning từng có số đặt cọc cao kỷ lục cũng không tránh khỏi tình trạng nằm kho.
Ford F-150 Lightning từng có số đặt cọc cao kỷ lục cũng không tránh khỏi tình trạng nằm kho.

92.000 XE ĐIỆN ĐANG NẰM KHO

Một thực tế đáng nhắc tới là ở Mỹ hiện nay có quá nhiều xe điện nằm trong kho mà không bán được. Theo số liệu của Cox Automotive, có khoảng 92.000 chiếc xe điện đang nằm chờ khách hàng, tăng 74% so với năm 2022. 

Với tốc độ bán của hiện tại, số xe tồn của General Motors, Ford, Hyundai hay Toyota tương đương khoảng 90 ngày kinh doanh.

Cũng theo ước tính của Cox Automotive, mẫu bán tải điện Ford F-150 Lightning đang tồn tương đương 86 ngày mở bán, còn với Mustang Mach-E thì lên tới 113 ngày; tất cả đều cao hơn con số trung bình 52 ngày.  

Bang California được xem là bang có tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng xe điện lớn nhất nước Mỹ, nhưng theo một nghiên cứu gần đây của iSeeCars thì tốc độ phát triển lại đang chậm nhất. Không chỉ bang California mà VinFast đang hoạt động, bang Oregon hay Washington cũng gặp tình cảnh tương tự, dù tỷ trọng doanh số xe điện chiếm từ 7% đến 10% toàn thị trường.

Chuyên gia phân tích Karl Brauer tại iSeeCars nhận định: "Có vẻ như cứ đạt được từ 7% đến 10% thị trường thì sẽ chững lại. Có vẻ đó đã là trần, và sẽ rất khó để vượt qua được con số đó".

Minh Đức

Triển lãm 'VinFast - Vì tương lai xanh' tại TP.HCM - Ngày hội của công nghệ và sống xanh

Triển lãm 'VinFast - Vì tương lai xanh' tại TP.HCM - Ngày hội của công nghệ và sống xanh

Triển lãm “VinFast - Vì tương lai xanh” diễn ra từ ngày 18-20/8 tại Landmark 81, TP.HCM sẽ là ngày hội của công nghệ và sống xanh, với những công nghệ tiên tiến đã và sẽ ứng dụng trên xe điện cũng như các giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững.