Ngay cả tòa án vẫn không giải quyết được chây ỳ trả nợ của khách hàng

Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) và các cơ quan thuộc Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa có buổi hội thảo: “Thực trạng giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án và các vấn đề pháp lý các tổ chức tín dụng cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp”.

Một số tòa án khi xét xử lại tuyên ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận vì theo quan điểm của thẩm phán khi xét xử cho rằng, khi ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định. Vì vậy, tổ chức tín dụng không xác định được tài sản thế chấp là của ai…, trên cơ sở đó tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp đồng thời với tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng…

Hay một số đại diện ngân hàng khác lại nêu khó khăn về mức lãi suất được áp dụng trong các quan hệ tín dụng, thời hiệu khởi kiện, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, giao dịch trao đổi tài sản…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VNBA cho rằng, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời.

Tuy nhiên, những kết quả tích cực này chủ yếu đến từ ý thức trả nợ của người dân được nâng cao. Trong khi đó, đến nay chưa khoản nợ nào xác định theo Nghị quyết 42 được áp dụng thủ tục rút gọn.

Thậm chí, theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án hiện nay; trong đó có Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và các tòa án nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.

“Hiệp hội Ngân hàng nhận được nhiều đơn phản ánh từ các tổ chức tín dụng hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng”, ông Hùng nói.

Đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, một trong những khó khăn hiện nay của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng là xác định trụ sở bị đơn, nơi làm việc thì khách hàng là chủ doanh nghiệp rất quan trọng, trước đây một trong những lý do tòa trả hồ sơ là không xác định được địa chỉ bị đơn.

“Tòa án thường yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp xác minh của cơ quan Công an có thẩm quyền về nơi cư trú của khách hàng/bên bảo đảm trước khi thụ lý hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, công an địa phương từ chối xác minh lý do thông tin cư trú là thông tin cá nhân, chỉ cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác và hồ sơ khởi kiện không được thụ lý”, vị đại diện ngân hàng này chia sẻ.

Một ngân hàng thương mại khác cho rằng, khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất, các tổ chức tín dụng căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bên bảo đảm để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Lẽ đó, các tổ chức tín dụng không thể biết hoặc không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ.

Thông thường, các vụ tranh chấp kinh doanh thương mại, hợp đồng tín dụng khi được đưa ra toà đều là nợ xấu. Thế nhưng, với đủ loại bất cập nêu trên, việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại tòa rất khó khăn. Đấy là chưa kể, mặc dù ra được bản án nhưng tỷ lệ thi hành án cũng vô cùng khiêm tốn.

Tổng Hợp