Theo dữ liệu trong một nghiên cứu cập nhật đến tháng 11/2020 của Savills, các chuyên gia đầu tư bất động sản quốc tế chỉ ra rằng mặc dù lượng đầu tư toàn cầu vào bất động sản đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng không phải tất cả các phân khúc đều bị ảnh hưởng.
Bất động sản công nghiệp và nhà ở giảm nhẹ về lượng, nhưng chiếm thị phần ấn tượng lần lượt là 21% và 28% trong tổng các nguồn đầu tư. Trong khi đó, thị trường văn phòng đứng vững với thị phần 33%. Bất chấp yếu tố bất ổn do COVID-19, sức hấp dẫn dài hạn của lĩnh vực bất động sản nói chung và số lượng quỹ nhắm vào lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng.
Dữ liệu từ Preqin, một công ty chuyên cung cấp số liệu tài chính, chỉ ra rằng tính đến đầu quý 4 năm 2020, đã có hơn 1.000 quỹ trên thị trường, tăng gấp đôi so với tháng 1/2016. Các quỹ hiện đang nhắm mục tiêu đầu tư gần 300 tỷ USD, với tăng trưởng tiếp tục diễn tiến trong năm 2021.
Theo ông Rasheed Hassan, Giám đốc Bộ phận Đầu tư xuyên biên giới tại Savills, các dự báo đầu tư của cho thấy, bất chấp những tác động bất lợi từ COVID-19 đối với bất động sản, vẫn còn lượng đầu tư lớn đang chờ đợi để nhắm vào các thị trường mục tiêu ngay khi tình hình chung trở nên lạc quan hơn.
Lĩnh vực hậu cần, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lưạ chọn hàng đầu trong 12 tháng tiếp theo. Lĩnh vực thị trường văn phòng được dự đoán quay lại hoạt động tích cực ngay khi các chương trình liên quan tới vaccine được triển khai rộng rãi trên thế giới.
Dữ liệu mới đây của Savills trong báo cáo về các thị trường trọng điểm Prime Benchmark cho thấy thị trường Hà Nội, TP.HCM có chỉ số thuê ổn định, mức chênh chỉ đạt 0,5% so với cùng kì năm ngoái, trong bối cảnh các thị trường lớn khác đã có mức chênh lệch đáng kể do ảnh hưởng COVID-19.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, tăng trưởng của lĩnh vực văn phòng cho thuê chủ yếu được thúc đẩy bởi yếu tố khách hàng có trụ sở doanh nghiệp tại Việt Nam và họ có đủ tự tin để mở rộng kinh doanh tại Hà Nội.
Thị trường văn phòng tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2021, với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lượng du khách quốc tế tăng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi về kinh tế và nhân khẩu học ở Việt Nam.
Trước các thách thức đặt ra trong năm 2020, tầm quan trọng của các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị đối với các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khi nhiều Chính phủ đưa ra các tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” và cam kết không phát thải khí nhà kính hoàn toàn.
Song song với tín hiệu khả quan về các chương trình vaccine được triển khai rộng rãi trong năm 2021, là kỳ vọng về tăng trưởng lạc quan hơn cho thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Đa phần, các kỳ vọng xoay quanh việc nới lỏng các biện pháp kiềm toả dịch bệnh, tháo gỡ dần tình trạng đóng cửa biên giới, và sự trở lại của hoạt động đầu tư bất động sản xuyên biên giới.
Trong ngắn hạn, lãi suất thấp có khả năng vẫn tiếp tục và sẽ hỗ trợ ngành bất động sản, trong khi các nguồn vốn lớn chưa được phân bổ trong khu vực sẽ thúc đẩy các hoạt động giao dịch trở nên cạnh tranh hơn.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng GDP lạc quan trong năm 2020. Hoạt động kiểm soát COVID-19 hiệu quả, cùng ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã đem lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư ngành sản xuất, hậu cần, công nghiệp tại Việt Nam.