Nhà ở vừa túi tiền không còn tồn tại ở TPHCM

Trong năm qua, các dự án bình thường tại TPHCM cũng được chủ đầu tư đẩy lên mức giá cao cấp khiến thị trường không còn sản phẩm căn hộ vừa túi tiền đông đảo người dân có nhu cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, thị trường đang lệch pha cung cầu rất lớn giữa các phân khúc. Nguồn cung nhà cao cấp rất lớn trong khi đa số người lao động khó tiếp cận nhà giá thấp.Ông Khởi nhấn mạnh, nếu thu được tiền cho ngân sách từ lĩnh vực bất động sản nhưng lại không đảm bảo được vấn đề an sinh, nhà ở cho người dân, đây cũng không phải là chủ trương Nhà nước mong muốn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định, thị trường bất động sản những năm vừa qua méo mó về cung cầu khi hoàn toàn lệch pha về bất động sản cao cấp. “Nhà ở vừa túi tiền không còn tồn tại ở TPHCM. Số liệu của Sở Xây dựng TPHCM năm vừa qua không có bất kỳ sản phẩm căn hộ phân khúc bình dân nào được đưa ra thị trường. Tỷ lệ này trong năm 2020 là 1%”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, trong năm qua, các dự án bình thường tại TPHCM cũng được chủ đầu tư đẩy lên mức giá cao cấp khiến thị trường không còn sản phẩm căn hộ vừa túi tiền đông đảo người dân có nhu cầu. Với phân khúc nhà ở xã hội, ông Châu chỉ ra các chính sách không xuất phát từ cuộc sống nên có nhiều bất cập. Ví dụ như với quy định cũ, dự án có 10 ha trở lên phải bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng trong thực tế nhiều dự án tại TPHCM diện tích hàng chục ha không hề có căn nhà xã hội nào. Trong khi đó, quy định mới yêu cầu dự án có diện tích từ 2 ha trở lên đã phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội lại càng bất khả thi.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, giai đoạn 2016-2021, TPHCM xây dựng được khoảng 16.000 căn nhà ở xã hội. Mục tiêu từ 2021-2025, TPHCM sẽ xây trên 35.000 căn.

Vừa qua, TPHCM đã rà soát, trong đó có 33 dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất dùng xây nhà ở xã hội, nếu triển khai được sẽ có thêm khoảng 70.000 căn. Trong số này, có 14 dự án đã giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, ngoài nỗ lực của TPHCM, các cấp trung ương cũng phải tích cực hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn.

Giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, trong đó riêng chi phí sắt thép chiếm 15-20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền.

Không chỉ xi măng, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Chỉ trong những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng liên tục tăng 600.000-1.400.000 đồng/tấn tùy loại. Các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng cao. Tại một số điểm bán vật liệu xây dựng ở TPHCM, giá cát đang ở mức 300.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm, còn gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến giá phôi tăng mạnh. Trong vai khách hàng đi mua thép, PV Tiền Phong được báo giá, thép Việt Nhật là 21 triệu đồng/tấn, thép Hòa Phát lên 20,4 triệu đồng/tấn, Pomina lên 20,8 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2021, giá thép các loại đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn và cao hơn đỉnh của năm 2021.

Tổng Hợp