Có 7 dự án khởi nghiệp là phụ nữ dân tộc thiểu số được lựa chọn vào vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 |
Vượt qua hàng ngàn Dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nhiều dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số đã được lựa chọn và giành được giải cao.
Trong số 33 Dự án khởi nghiệp được lựa chọn vào vòng chung kết toàn quốc, có 7 Dự án khởi nghiệp là phụ nữ dân tộc thiểu số (chiếm 21,2%). Đây đều là các Dự án/ý tưởng có tính đổi mới sáng tạo, khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ, khả năng thương mại hóa, và có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa; tạo việc làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ...
Chị Vương Thị Thương, Hợp tác xã nông sản Toàn Thương, tỉnh Lạng Sơn (bìa phải), giành giải nhất Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 với dự án Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng. |
Chị Đinh Thị Thu, tỉnh Hà Giang, với Dự án Ươm, trồng cây giang rừng. Dự án hướng tới bảo tồn phát huy giá trị cây Giang rừng theo hướng thương mại trên địa bàn huyện Bắc Quang, tạo công việc làm cho hội viên phụ nữ địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển tài nguyên bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái rừng. |
Với dự án Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp, chị Lò Chúc Chi (Hợp tác xã Hoa Ban Trắng, tỉnh Điện Biên) đã tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ, tạo nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng làng nghề truyền thống, tạo thế mạnh cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Qua đó, giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ngày càng được giữ gìn và phát triển, được ghi nhận, nâng cao và có sức lan tỏa trong cộng đồng. |
Dự án Bảo tồn và nhân giống các cây thuốc bản địa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dược liệu Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, của chị Hà Thị Thơm, đã lan tỏa những giá trị của cây dược liệu đến với cộng đồng. Đồng thời tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào người dân tộc thiểu số. |
khởi nghiệp với mô hình kinh doanh online đa kênh trên các nền tảng mạng xã hội giúp bà con vùng Tây Bắc tiêu thụ nông sản, đặc sản và dược liệu, tỉnh Lai Châu, tiêu thụ được nhiều nông sản và dược liệu quý của bản địa đến khắp mọi miền Tổ quốc, giúp chị em phụ nữ vùng cao khởi nghiệp an toàn không mất chi phí vốn ban đầu nhưng hiệu quả bền vững. |
Chị H'Uyên Niê Làng (Văn hóa du lịch Jrai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm chân thực nhất, những nét độc đáo nhất về văn hóa, phong tục tập quán gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người đồng bào Jrai; khai thác và bảo vệ tài nguyên văn hóa, du lịch sinh thái của địa phương, tạo ra giá trị kinh tế và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân tộc Jrai. Dự án của chị liên kết, hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, hội viên yếu thế, hội viên khó khăn trên toàn xã, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, kết nối, gắn kết và phát triển, tạo ra giá trị kinh tế cho cộng đồng… |
Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết của chị Trương Thị Bạch Thủy, tỉnh Sóc Trăng, được thành lập và xây dựng chuỗi liên kết thu mua tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho bà con trong vùng. Cùng với lợi thế có nhiều thợ giỏi trong làng nghề, Hợp tác xã phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam, qua đó giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ trong làng nghề với đa số là người dân tộc Khmer, góp phần khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc về làng nghề truyền thống địa phương, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo tại địa phương. |