"Chính sách quan hệ Mỹ - Trung của Donald Trump thực sự 'kinh thiên động địa'", Du Chen, 31 tuổi, phóng viên Trung Quốc chuyên về mảng công nghệ, nói. Trước COVID-19, anh làm việc tại thung lũng Silicon, bang California, Mỹ, nhưng đang mắc kẹt ở Bắc Kinh.
"Giống như Trump đang cố gắng đốt rụi mọi cây cầu nối liền Mỹ - Trung và tôi không chắc liệu những cây cầu đó có sửa được hay không", Du Chen viết.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và ứng viên Joe Biden . Ảnh: USA Today. |
Quan hệ Mỹ - Trung gần đây xấu đi nghiêm trọng vì một loạt vấn đề. Du là người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ "một cây cầu cháy" khi Trung Quốc hồi tháng 7 yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô, để trả đũa việc Washington đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô bị đóng cửa đã làm tiêu tan hy vọng của Du về một cuộc phỏng vấn ở cơ sở này để xin thị thực tới Mỹ. Các cơ sở ngoại giao khác của Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc đã cắt giảm dịch vụ lãnh sự trong thời kỳ COVID-19.
"Tôi có lẽ sẽ không quay lại Mỹ cho đến quý một hoặc quý hai năm sau", anh nói. "Tôi không biết nữa. Có quá nhiều điều không chắc chắn".
Đối với Du, việc Mỹ - Trung đóng cửa lãnh sự quán của nhau là dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ tiếp tục nếu Trump đắc cửa nhiệm kỳ hai. Du thích một tổng thống "nhất quán hơn" và "tất nhiên điều đó có nghĩa là tôi muốn Biden đắc cử hơn", anh nói.
"Tình hình đã đủ tồi tệ rồi. Nếu Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ tiếp tục đi theo con đường này, vì đó là một trong số ít cách lấy lòng cử tri trung thành của Trump", Du nói thêm.
Trong khi chính sách đối ngoại thường không phải yếu tố nổi bật trong các cuộc đua vào Nhà Trắng trước đây, trong mùa bầu cử năm nay, Trump đã tăng cường nhắm mục tiêu vào Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters |
Trump thường xuyên tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ "sở hữu" Mỹ nếu Biden đắc cử, với lập luận không có căn cứ rằng cựu phó tổng thống sẽ "luồn cúi" trước Trung Quốc vì các hoạt động kinh doanh cũ của con trai ông ở nước này.
Trong khi những lời lẽ gay gắt của Trump nhắm vào Trung Quốc phần lớn mang động cơ chính trị và thiếu cơ sở, chính quyền của ông vẫn tiếp tục đẩy mạnh hành động chống Bắc Kinh.
Ngay cả khi Du có thể quay trở lại Mỹ, công việc và cuộc sống cá nhân của anh cũng có nguy cơ bị đảo lộn. Từ tháng 5, Mỹ chỉ cấp thị thực 90 ngày cho các nhà báo Trung Quốc. Mỹ giải thích họ làm vậy để đáp trả việc Trung Quốc trục xuất một số nhà báo Mỹ tại nước này vào đầu năm.
Phóng viên video họ Zhang, 24 tuổi, làm việc cho một hãng tin lớn ở Washington, đã "nếm mùi" hạn chế mới của chính quyền Trump. Zhang cảm thấy sự hiện diện của mình ở Mỹ không được "hoan nghênh". Việc phải đăng ký gia hạn thị thực ba tháng một lần giống như "cầu xin nước này cho tôi ở lại", cô nói.
Zhang hy vọng nhiều chính sách chống toàn cầu hóa của Trump sẽ bị các chính quyền tương lai đảo ngược. "Tôi tự an ủi mình rằng Trump sẽ chỉ cầm quyền tạm thời thôi", cô nói.
Nhưng cả cô và Du đều hoài nghi về khả năng Biden sẽ chú ý đến nỗi khổ của các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ nếu ông đắc cử. "Tôi không nghĩ rằng chính quyền Biden có thể dành thời gian và sức lực để cứu vãn tình huống cho cộng đồng nhà báo Trung Quốc ở Mỹ vốn ít ỏi và gần như vô hình", Du nói.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020. Nguồn: AFP |
Giới chuyên gia nhận định dù muốn thể hiện khác biệt với chính quyền Trump, Biden khó có thể đưa ra thay đổi lớn trong chính sách với Trung Quốc. Biden gần đây thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, cam kết tập hợp các đồng minh của Mỹ để gây áp lực chung trên mặt trận thương mại và chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.
"Tôi nghĩ rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên tốt hơn và dễ đoán hơn nếu Biden đắc cử, nhưng đồng thời, tôi nghĩ tình hình đối đầu chung giữa hai nước sẽ không thay đổi nhiều," Fang Tianyu, 19 tuổi, sinh viên năm nhất tại Stanford đang học từ xa sau khi trở về Trung Quốc vì COVID-19, nói.
"Tôi không nghĩ những ngày tháng Mỹ - Trung quan hệ tốt đẹp sẽ quay trở lại", Fang, người đã học ở Mỹ từ thời trung học, cho biết. "Nhưng miễn là các chính sách dễ dự đoán hơn, sẽ có ít người chịu vạ lây hơn".
Là một sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ, Fang thuộc nhóm người đãtrở thành mục tiêu bị chính quyền Trump tăng cường giám sát, giống như các nhà báo Trung Quốc.
Trump đã phàn nàn trong một cuộc nói chuyện riêng rằng "hầu hết sinh viên" Trung Quốc là "gián điệp", theo Politico. Theo lệnh của Tổng thống, Bộ Ngoại giao Mỹ mùa hè này bắt đầu thu hồi thị thực của bất kỳ cử nhân Trung Quốc nào được coi là có liên hệ với các trường quân đội Trung Quốc. Đến ngày 8/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 cá nhân bị cho là "rủi ro cao".
Một số cơ sở giáo dục Mỹ cũng có động thái riêng. Đại học Bắc Texas gần đây cắt quan hệ với các nhà nghiên cứu được Hội đồng Học bổng Trung Quốc tài trợ. Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ có quan điểm "diều hâu" kêu gọi áp thêm hạn chế khắc nghiệt hơn đối với sinh viên Trung Quốc, như cấm họ học chuyên ngành liên quan đến khoa học và công nghệ.
Sinh viên Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp ở Đại học Columbia năm 2015. Ảnh: Xinhua. |
Nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, các du học sinh Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần chịu thêm hạn chế, Huang Liqin, 21 tuổi, sinh viên đại học ở California, nói. Có khoảng 360.000 du học sinh Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Mỹ.
"Chúng tôi nên chuẩn bị cho nguy cơ bị phân biệt đối xử nếu Trump tái đắc cử", Huang nói thêm. "Một số người bảo thủ sẽ coi chúng tôi là kẻ thù hoặc gián điệp".
Mặc dù Huang không thích Biden, anh lo lắng Trump sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào Trung Quốc khi nền kinh tế Mỹ trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của COVID-19.
Huang đến Mỹ học luật bởi vì theo anh, hệ thống luật pháp của Trung Quốc cần được cải cách. Anh muốn trở thành luật sư về sở hữu trí tuệ, nhưng bị vỡ mộng trước nỗ lực của chính quyền Trump trong thương vụ TikTok.
Đối với Huang, động thái của Mỹ với TikTok mang tính chính trị hơn là luật pháp. "Nó khiến tôi mất tin tưởng vào tình hình chính trị hiện tại", anh nói.
Nhiều người đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử cũng chú ý đến vai trò của các phát ngôn chính trị trong việc thúc đẩy chủ nghĩa bài ngoại chống Trung Quốc. "Rất nhiều người Mỹ coi chúng tôi là mối đe dọa", Huang nói và cho biết anh đã bị phân biệt chủng tộc ở Mỹ từ trước khi COVID-19 xảy ra. Một nhóm người ở Chicago đã giễu cợt và yêu cầu anh "quay trở lại Trung Quốc" hai năm trước.
Những người Trung Quốc nín thở chờ bầu cử Mỹ . Ảnh: Getty |
Trong mùa bầu cử năm nay, Trump tiếp tục thúc đẩy quan điểm chống nhập cư. Ông đã từ bỏ cách gọi COVID-19 là "virus Trung Quốc" khi bị chỉ trích rằng nó kích động tinh thần phân biệt chủng tộc chống người châu Á. Nhưng sau đó, ông dùng các thuật ngữ khác như "bệnh dịch Trung Quốc" hay Kung flu (chơi chữ từ từ kung fu).
Các nhóm nhân quyền nói rằng việc Tổng thống dùng ngôn ngữ như vậy tiếp tục kích động các cuộc công kích bài ngoại nhằm vào người gốc Á ở Mỹ. Stop AAPI Hate, tổ chức theo dõi nạn phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á và người dân các quốc đảo Thái Bình Dương, đã ghi nhận 2.500 trường hợp phân biệt chủng tộc từ tháng ba tới nay.
"Trump khai thác chủ nghĩa phân biệt chủng tộc để phục vụ lợi ích của mình", Fang nói và giải thích rằng đó là một trong những lý do khiến anh mong Biden đắc cử. "Điều đó không có ích cho ai khác cả. Không giúp ích gì cho người Mỹ gốc Hoa hay quan hệ Mỹ - Trung nói chung".
Đối với Zhang, dù quan hệ Mỹ - Trung có nguy cơ xấu đi thêm nữa nếu Trump tái đắc cử, cô cũng không có kế hoạch nhanh chóng trở về Trung Quốc. "Nếu tôi vẫn còn đam mê với nghề báo trong một hoặc hai năm nữa, tôi nghĩ đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để ở Mỹ. Tôi không nghĩ là các nhà báo muốn sống ở một thế giới lý tưởng. Đó là khoảng thời gian chúng ta cần các nhà báo nhất".
"Nhưng việc tôi đi hay ở cũng tùy vào mức độ hành động của Trump nếu ông ấy đắc cử nhiệm kỳ hai", Zhang nói và bật cười.
Nguồn: VnExpress