Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng hiện nay của Việt Nam lại phụ thuộc vào một thị trường và còn thiếu sự đa dạng trong sản phẩm xuất khẩu, được dự báo cây sầu riêng sẽ rơi vào "lối mòn". Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia từng dẫn đầu về xuất khẩu sầu riêng như: Thái Lan, Indonesia. Do đó, giải pháp phát triển cây sầu riêng bền vững là điều cấp thiết.
Lợi nhuận đột phá
Trái sầu riêng Việt Nam được thế giới biết đến và được đứng ngang hàng trong thế cạnh tranh chân vạc với Thái Lan và Indonesia là nhờ vào nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hàng trái cây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay, vì vậy, xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn; đồng thời, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Minh chứng xuất khẩu trong 2 năm qua cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng dần mỗi năm. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2022 đạt 421 triệu USD, kể từ khi Nghị định thư và việc cấp mã số xuất khẩu cho trái sầu riêng Việt Nam của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực.
Sang năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 5 lần so với 2022. Đây là tỷ lệ tăng vượt ngoài sự kỳ vọng của cả người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam khoảng, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Chính vì sự tăng trưởng xuất khẩu vượt trội của trái sầu riêng, đã đẩy giá sầu riêng tăng vọt, từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (năm 2021) lên 115.000 đồng/kg đến 145.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên 230.000 đồng/kg trong năm 2022 và 2023.
Thời điểm này, khi nói đến trái sầu riêng là nông dân lấp lánh ánh mắt, vì giá tăng cao và mang lại thu nhập cao. Bà Đặng Thị Kiều Oanh, một nông dân sản xuất 6 ha các loại sầu riêng, cà phê, cao su tại huyện Đắc R' Lấp, tỉnh Đắc Nông cho biết, khi nhận thấy trái sầu riêng có nhiều cơ hội phát triển, gia đình đã quyết định cải tạo vườn cà phê và sầu riêng trước đó để tăng năng suất.
"Nhờ nắm bắt kịp thời mà nguồn thu nhập từ sầu riêng gấp 4 lần cà phê và cao su cộng lại. Không những vậy, gia đình còn thuê thêm đất để phát triển thêm 2 ha sầu riêng", bà Oanh cho biết.
Cũng là nông dân nhờ vào cây sầu riêng phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Đông, xã Phú An, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình đã trồng 2.000 m2 sầu riêng, qua nhiều năm cũng chỉ dao động 55.000 đến 60.000 đồng/kg. Nhưng kể từ khi trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, thu nhập từ vườn sầu riêng tăng hơn gấp đôi mỗi vụ đã giúp trang trải nhiều chi phí cho gia đình ông Đông.
Không riêng ông Đông, sầu riêng có giá mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh; nhiều người xã Phú An đã dựng nên cơ nghiệp, địa bàn xã cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đó là chưa kể đến nhiều nông dân sản xuất sầu riêng khác tại Bến Tre, Đồng Tháp cũng đang cải tạo vườn để phát triển cây sầu riêng với kỳ vọng mang lại kinh tế phát triển ổn định hơn.
Liên kết mắt xích để bền vững
Thời điểm tháng 5/2024, giá sầu riêng có sự biến động lớn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khiến nhiều hộ nông dân sản xuất sầu riêng lo lắng, nhất là các hộ vừa đầu tư vườn cây để bắt nhịp cơn sốt sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, công tác tổ chức chuỗi ngành sầu riêng còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng nóng về diện tích trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung - cầu.
Từ cuối tháng 4/2024 đến gần cuối tháng 5/2024, giá sầu riêng đột nhiên lao dốc, nhiều nhà vườn sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào trạng thái sợ cung vượt cầu.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết giá sầu riêng tại vườn đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá sầu riêng Monthong được thương lái thu mua khoảng 200.000 đồng/kg, nay chỉ còn từ 100.000-110.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 từ 160.000 đồng/kg nay còn 60.000-70.000 đồng/kg. Đáng lo ngại là tình trạng nhiều nông dân chuyển đổi cây lúa, mít, tiêu, cà phê… sang trồng cây sầu riêng, dẫn đến nguồn cung đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá giảm.
Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, giá sầu riêng tại Trung Quốc cũng đang giảm mạnh, trong tháng 4 và tháng 5/2024, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan là 5,80 USD/kg, tăng nhẹ so với mức trung bình chung là 5,38 USD/kg. Ngược lại, sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu với giá 4,22 USD/kg. Đồng thời, tổng lô hàng sầu riêng từ các quốc gia nhập vào Trung Quốc cũng giảm 35% về khối lượng trong giai đoạn này.
Các chuyên gia ngành hàng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đánh giá, hiện kinh tế tại Trung Quốc không tốt lắm, người tiêu dùng lại ngày càng nâng cao tiêu chí lựa chọn với mặt hàng sầu riêng như: cuống dày, dáng tròn và gai ngắn, còn lại người tiêu dùng thị trường này không quan tâm sản phẩm đến từ quốc gia nào.
Chính vì sự biến động thị trường diễn ra liên tục đối với bất kỳ ngành hàng nào, bao gồm cả trái sầu riêng, nên để trái sầu riêng có thể giữ vị thế xuất khẩu và phát triển bền vững, đòi hỏi các mắt xích trong ngành hàng phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước chia sẻ, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Do đó, các địa phương phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ. Việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
"Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán. Ngành hàng sầu riêng cũng không ngoại lệ, các doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia; bán một trái sầu riêng ra nước ngoài còn mang cả hình ảnh quốc gia. Vì vậy, cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Hiện nay, các quốc gia càng ngày càng siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm… đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung, ngành hàng sầu riêng nói riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn ngày càng có sự liên kết chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, các hiệp hội, vựa thu mua, nhà vườn để phát triển bền vững ngành sầu riêng của Việt Nam, ông Lê Minh Hoan cho biết thêm.