Bài phân tích về động thái mua vàng của nhiều ngân hàng trung ương của ông Henny Sender, ông là cựu giám đốc điều hành của công ty đầu tư BlackRock, nay là nhà tư vấn chiến lược cho các công ty dịch vụ tài chính và là phóng viên của Financial.
Ông cho rằng, trong nhiều thế kỷ, các loại đá quý và kim loại quý luôn là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh nguy hiểm và bất ổn.
Ngày nay, các ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm dự trữ ngoại hối của đất nước, họ đã trở thành những nhà đầu tư thận trọng và ngại rủi ro nhất trên hành tinh. Trong cuộc kiếm tìm nơi trú ẩn an toàn, nhiều bên đã quay trở lại với vàng.
Theo cách nào đó, điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Trong khi lãi suất ở Mỹ cao hơn, lợi suất trái phiếu cao đang hỗ trợ cho đồng USD, hiện vẫn là đồng tiền dự trữ thống trị. Điều đó khiến cho chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đang tăng lên. Thế nhưng nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trong năm ngoái và quý đầu năm nay vẫn cao, đẩy giá của kim loại quý này lên sát mức kỷ lục.
Lý do rất đơn giản.
Vàng với tư cách là một loại tài sản là một trong những tài sản được hưởng lợi nhiều nhất từ cả cường độ gia tăng của việc chia tách Mỹ-Trung và cuộc chiến Ukraina. Bên cạnh vàng, triển vọng trở thành đồng tiền dự trữ của nhân dân tệ đã tăng lên một cách khiêm tốn.
Những lo ngại về vũ khí hóa đồng USD đã tăng lên kể từ khi Hoa Kỳ tịch thu 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga sau cuộc xung đột Ukraina. Đồng thời, Washington đã từ chối cho phép Taliban nắm quyền kiểm soát 7 tỷ USD dự trữ ngân hàng trung ương Afghanistan đã được giữ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bởi chế độ trước đó. Malaysia và các quốc gia khác đã lên tiếng lo ngại về khả năng một ngày nào đó họ có thể trở thành nạn nhân của việc vũ khí hóa đồng USD.
Xét về việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng có thể làm giảm lượng mua USD, hay trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản USD khác. Xu hướng này có thể tăng dần theo thời gian và càng gây thêm quan ngại về trái phiếu chính phủ Mỹ.
Sự bền vững tài chính đã trở thành một vấn đề khi nợ công của Mỹ tăng vọt. Cùng thời điểm, cam kết của Washington đối với toàn cầu hóa và tự do thương mại đang bị nghi ngờ.
Nếu một quốc gia khác không muốn đầu tư vào các tài sản USD, như trái phiếu kho bạc, tại sao họ phải dự trữ đồng USD?
"Mọi ngân hàng trung ương đều đang tìm cách đa dạng hóa và tìm kiếm sự thay thế cho đồng USD", nhà kinh tế học Eswar Prasad phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc trong tháng trước. "Điều đó sẽ diễn ra dần dần".
Các ngân hàng trung ương và các tổ chức bán chính thức khác đã mua gần 1.100 tấn vàng vào năm 2022, gấp đôi so với 5 năm trước cộng lại. Đó là lần mua hàng năm lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1950, theo dữ liệu của JP Morgan.
Các tổ chức này đã mua thêm 229 tấn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tăng 176% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới.
Chắc chắn rằng quá trình phi đô la hóa đã được dự đoán quá mức trong quá khứ. Nhưng một cái gì đó có thể đang diễn ra lần này. Đồng USD hiện chiếm 58% dự trữ ngân hàng trung ương toàn cầu, giảm từ 73% vào năm 2000. Vàng hiện chiếm 15%.
Nga đã bắt đầu thay đổi dự trữ từ năm 2014, nhưng xu hướng phi đôla hóa trên toàn cầu mới chỉ bắt nhịp và lan rộng trong năm ngoái.
"Trung Quốc đã tăng lượng vàng dự trữ trong 6 tháng liên tiếp, sau khi không thay đổi trong suốt 38 tháng", bản báo cáo của JPMorgan trong tháng 5 chỉ ra. "Tốc độ tăng dự trữ vàng theo tháng lần này nhanh hơn nhiều so với các vòng trước đó".
Nga và Trung Quốc chiếm 60% tổng lượng vàng mua vào trong giai đoạn từ 2010 đến 2022. Các bên mua khác bao gồm những nước Vùng Vịnh và các nước Trung Á, trong khi Ấn Độ luôn duy trì sự hứng thú với vàng.
Hiện tại, ngay cả Singapore cũng mua vàng một cách thận trọng khi giới chức nước này ngày càng quan ngại về quan điểm bảo hộ của Mỹ.
Giá vàng tăng cho thấy thế giới đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho đồng đô la ngay cả khi không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào vào lúc này.
Đồng nhân dân tệ đang dần đảm nhận một số đặc điểm của đồng tiền dự trữ, đặc biệt là ở châu Á. Do các biện pháp trừng phạt, đa dạng hóa ngày càng trở thành một điều cần thiết hơn là một sự lựa chọn.
Nhiều giao dịch hơn, đặc biệt là liên quan đến hàng hóa, đang được tính bằng đồng nhân dân tệ, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không tham gia trực tiếp. Ví dụ, Ấn Độ đã thanh toán nhập khẩu năng lượng của Nga bằng đồng nhân dân tệ, trong khi Bangladesh tài trợ cho việc mua một nhà máy điện hạt nhân của Nga bằng đồng tiền Trung Quốc.
Trong khi đó, Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã giúp các nước châu Á xích lại gần hơn với Trung Quốc xét về thương mại. Hiệp định này bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Thông thường, việc phòng ngừa tỷ giá các đồng tiền trong khu vực như đồng đôla Australia so với NDT sẽ rẻ hơn nếu phòng ngừa USD. Ngân hàng trung ương Pakistan đang trả chi phí phòng ngừa rủi ro cho các công ty trong nước sử dụng NDT để trả tiền nhập khẩu, như cách để bảo đảm lượng USD dự trữ đang suy giảm của nước này.
Có điều đáng chú ý hiện nay là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thiết lập đường dây hoán đổi với 40 đối tác, hầu hết trong khu vực châu Á, trong khi chỉ có một vài liên kết với Fed. Mạng lưới hoán đổi này có tiềm năng lên tới 4 nghìn tỷ NDT (599 tỷ USD). Pakistan là một trong những quốc gia đã vạch ra các đường hoán đổi của họ.
Chắc chắn rằng còn một chặng đường dài phía trước, ngay cả khi Bắc Kinh đang ngày càng cố gắng thuyết phục các đối tác thương mại của mình thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Ngày nay, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2,3% giao dịch quốc tế qua mạng của Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu. Điều đó so sánh với 43% bằng USD và 32% bằng euro.
Hơn nữa, chừng nào Bắc Kinh còn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn, sẽ có những giới hạn đối với thách thức mà nước này đặt ra đối với đồng đô la. Nhưng đồng bạc xanh đã giảm xuống mức cao gần đây. Sự điều chỉnh này có thể là khúc dạo đầu cho nhiều điều nữa sắp tới.
(Nguồn: Nikkei)