Liên quan đến vụ nam thanh niên tử vong vì sử dụng điện thoại trong lúc sạc phát nổ, ngày 16/6, ông Quách Đình Vận, Chủ tịch UBND xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) xác nhận, sự việc trên xảy ra tại xóm Gò Mu trên địa bàn xã, theo thông tin trên báo Dân Trí.
Theo chủ tịch UBND xã Kim Bôi, nạn nhân được được xác định là anh Q.V.A (sinh năm 1993).
Nam thanh niên 27 tuổi tử vong vì sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin . Ảnh: Dân Trí |
Theo thông tin ban đầu, khoảng 6h30 ngày 15/6, người dân phát hiện anh A. tử vong tại phòng khách của gia đình, trên tai còn đeo tai nghe, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực của nạn nhân.
Sau khi tiếp nhận thông tin và điều tra làm rõ, cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân a A. tử vong là do sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin. Khi đó điện thoại bất ngờ phát nổ khiến a này tử vong tại chỗ.
Đây được xem là một trong rất nhiều vụ tử vong do vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin. Trường hợp của a A. cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai có thói quen sử dụng điện thoại khi sạc pin.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ smartphone, người dùng cần lưu ý:
1. Không dùng pin chất lượng thấp
Những loại pin smartphone chất lượng thấp chắc chắn không theo đúng tiêu chuẩn của các nhà sản xuất. Do vậy, người dùng khi cần thay pin điện thoại hãy chọn mua pin chính hãng của nhà sản xuất. Nếu phải sử dụng pin thay thế của hãng thứ ba, người dùng cũng phải chọn hãng có uy tín.
2. Để điện thoại ở chỗ thông thoáng trong khi sạc
Người dùng không nên phủ vải vóc, chăn, gối lên điện thoại trong lúc sạc để tránh máy bị quá nóng. Ngoài ra, không nên để điện thoại đang sạc ở cạnh những thiết bị điện tử phát nhiệt khác.
3. Đừng dùng điện thoại quá mức trong lúc sạc
Trong lúc đang sạc, điện thoại sẽ nóng hơn đáng kể so với khi được sử dụng bình thường. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng trong lúc sạc điện thoại nên tránh các hoạt động như chơi game đồ họa nặng, dùng điện thoại để phát Wi-Fi hoặc thậm chí là lướt web ở khu vực tín hiệu yếu. Những hoạt động này có thể gây thêm áp lực cho thiết bị và bộ sạc.
4. Không nên chủ quan mặc dù điện thoại vẫn hoạt động sau cú rơi mạnh
Mặc dù điện thoại vẫn bật nguồn sau một cú rơi mạnh xuống nền bê tông, chớ nghĩ rằng thiết bị vẫn ổn từ A đến Z. Ngoài những hư hại dễ nhận thấy như màn hình bị vỡ, một cú rơi mạnh có thể gây ra những vết nứt nhỏ trên linh kiện bên trong, gây nứt pin hoặc làm hở linh kiện qua kẽ nứt màn hình.
Nếu điện thoại bị rơi vỡ mạnh, hãy đem máy tới trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để được kiểm tra.
5. Hãy cẩn thận nếu máy quá nóng một cách bất thường hoặc pin bỗng nhiên sụt nhanh
Ngày càng có nhiều người dùng phản ánh điện thoại bỗng nhiên trở nên quá nóng dù không bị nhúng nước, cũng không bị rơi. Khi gặp sự cố này, người dùng không nên chủ quan mà hãy mang máy tới trung tâm bảo hành để được kiểm tra.
6. Không nên sạc điện thoại qua đêm
Hầu hết smartphone ngày nay đều có tính năng tự kiểm soát điện năng nhận vào qua dây sạc, giảm thiểu hiệu quả những rủi ro mà người dùng thường lo sợ nhưng tất cả không phải an toàn 100%.
Dù trình độ công nghệ đã đem lại nhiều ưu điểm cho việc sạc pin ngày nay, nhiều chuyên gia vẫn thông báo về sự tồn tại của một yếu tố nữa khiến pin sạc qua đêm trở nên nguy hiểm: Nhiệt độ.
Pin Lithium-ion là loại pin được dùng vô cùng phổ biến trong tất thảy các loại thiết bị như smartphone và laptop, và chúng cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây nên tình trạng pin xuống cấp nhanh, nhiệt độ quá cao có thể gây cháy nổ - đó là điều đã được thừa nhận.
Việc sạc pin qua đêm có thể khiến smartphone tăng nhiệt độ bởi năng lượng hao phí chuyển hoá từ dòng điện chảy qua liên tục.