Trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu ngày càng phức tạp, sự tham gia của nữ giới trong Hội đồng quản trị (HĐQT) không chỉ là biểu hiện của bình đẳng giới mà còn là một lợi thế chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp có ít nhất 30% lãnh đạo là nữ không chỉ hoạt động hiệu quả hơn mà còn đạt lợi nhuận cao hơn so với các đối thủ có cơ cấu lãnh đạo kém đa dạng.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson trên gần 22.000 công ty tại 91 quốc gia đã chứng minh điều này, cho thấy sự đa dạng giới trong ban lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị, thúc đẩy đổi mới và gia tăng khả năng thích ứng với thị trường.
Doanh nghiệp hiện đại không thể thành công chỉ với kinh nghiệm quản trị truyền thống. Họ cần những nhân tố trẻ, sáng tạo, am hiểu công nghệ và có tư duy đổi mới. Sự đa dạng trong HĐQT, đặc biệt là có sự tham gia của nữ giới, giúp làm phong phú thêm các góc nhìn trong quá trình ra quyết định. Phụ nữ thường sở hữu tư duy thận trọng, nhạy bén và cân bằng, là những yếu tố cần thiết trong việc hoạch định chiến lược trong môi trường cạnh tranh cao. Khi HĐQT có sự tham gia của cả nam và nữ, các cuộc thảo luận trở nên toàn diện hơn, giảm thiểu rủi ro do tư duy nhóm (groupthink) và nâng cao hiệu quả giám sát nội bộ.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp
Báo cáo của McKinsey (2020) chỉ ra rằng các công ty có ban lãnh đạo đa dạng về giới đạt lợi nhuận cao hơn 25% so với doanh nghiệp thuần nam giới. Nghiên cứu từ Credit Suisse cũng ghi nhận các công ty có ít nhất một nữ thành viên trong HĐQT có tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cao hơn đáng kể.
Một trong những điển hình cho vai trò tích cực của nữ giới trong HĐQT là bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (PAN Group). Với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp tại tập đoàn quốc tế Biomin (Áo), bà Trà My đã mang lại cho PAN Group một tư duy chiến lược mới, đồng thời xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp dựa trên giá trị bền vững và bình đẳng.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT PAN Group |
Dưới sự điều hành của bà, PAN Group hiện đạt tỷ lệ nữ giới chiếm 44% trong cơ cấu HĐQT công ty mẹ, cao vượt trội so với mức trung bình dưới 10% ở các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Bà nhấn mạnh rằng tại PAN, hiệu quả công việc là tiêu chí đánh giá chính, không phân biệt giới tính, và cam kết tạo điều kiện để mọi nhân viên phát triển dựa trên năng lực thực sự. Chia sẻ quan điểm về vấn đề bình đẳng giới, bà Trà My cho biết tại Tập đoàn PAN, “bình đẳng giới” không có nghĩa là cố gắng trao nhiều ưu tiên hơn cho nữ giới mà là trao những cơ hội như nhau trong công việc, phù hợp với năng lực của từng cá nhân, nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cá nhân ấy. “Trong công việc, không phân biệt nam hay nữ, chúng tôi chỉ đánh giá qua hiệu quả của mỗi người thực hiện.”, Bà My nhấn mạnh.
Không chỉ là người quản trị xuất sắc, bà Trà My còn là người tiên phong trong việc thúc đẩy môi trường làm việc công bằng, truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ vươn lên các vị trí lãnh đạo, đồng thời lan tỏa những giá trị phát triển bền vững đến cộng đồng. Là thành viên tích cực của Hội Doanh nhân nữ Việt Nam, bà Trà My nhiều lần đóng góp quan điểm trong các Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế và đại diện Tập đoàn PAN cùng 120 doanh nghiệp Việt Nam ký cam kết ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ.
Theo Báo cáo đánh giá về Quản trị công ty cho doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam năm 2024, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT mới chỉ đạt khoảng 18%. Trong khi đó, báo cáo toàn cầu của Grant Thornton International cho thấy tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung đã tăng từ 19,4% lên 33% trong giai đoạn 2010–2024. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cao sự tham gia của nữ giới trong lãnh đạo doanh nghiệp.
Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo không chỉ phá vỡ những rào cản truyền thống mà còn góp phần tạo ra một môi trường làm việc công bằng, nơi tài năng được phát huy không phân biệt giới tính. Sự hiện diện của nữ giới trong HĐQT là minh chứng cho một nền quản trị hiện đại, đề cao tính bền vững, sự đổi mới và tư duy chiến lược dài hạn.
Việc thúc đẩy bình đẳng giới trong quản trị cấp cao cần được xem là một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, thay vì chỉ là một chính sách nhân sự mang tính hình thức. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt nhìn nhận đầy đủ giá trị mà phụ nữ mang lại, không chỉ là người lao động, mà là những kiến tạo thực sự trong hành trình vươn tới phát triển bền vững.
Tạp chí Phụ nữ Mới tái hoạt động Văn phòng đại diện tại TP.HCM
Sau thời gian tạm ngưng hoạt động Văn phòng Đại diện (VPĐD) Tạp chí Phụ nữ Mới tại TP.HCM chính thức hoạt động trở lại mở ra giai đoạn phát triển mới với những kỳ vọng mới vào ngày 5/5/2025.