Tờ báo "Đàn bà": Tinh thần tân tiến vì thế hệ phụ nữ mới

Báo Đàn bà in ở Nhà in Lê Cường và Trúc Đường (anh nhà thơ Nguyễn Bính) làm ở nhà in này được khoán cho việc biên tập báo.

Tuần báo Đàn bà ra đời trong thời gian 1939-1945, hoạt động với tôn chỉ, mục đích vì sự tiến bộ của phụ nữ nước nhà. Theo lời của nhà văn Tô Hoài miêu tả, đây là tờ báo “có thế lực với Tây”. Báo được cấp giấy in là giấy Đáp Cầu. Báo Đàn bà in ở Nhà in Lê Cường và Trúc Đường. 

Số đầu tiên của Đàn bà ra ngày 24/3/1939. Số cuối cùng là 302-303, ra ngày 7/9/1945. Địa chỉ của báo là ở số 77 đường Wiéle (nay là phố Tô Hiến Thành), Hà Nội. Tại Sài Gòn, báo cũng có cơ quan đại diện với vị ký giả quen thuộc của báo giới là Tế Xuyên.

Báo Đàn bà số 1
Báo Đàn bà số 1

Báo nói rõ lý do ra đời trong Mấy lời tuyên bố ở số 1: đây là tờ báo này dành cho chị em phụ nữ: “Tờ báo này là của các bạn, vì các bạn mà có”. Còn nam giới có tham gia cũng chỉ giúp những mục thông thường. 

Một số bài viết tiêu biểu của báo như Đàn bà Việt làm trạng sư (số 7, 5/5/1939), Cô Lê Hoàng Yến xin đầu quân ra mặt trận Pháp Đức (số 32, 27/10/1939), Đàn bà với giải thưởng Nobel (số 132, 17/12/1941), Những sự lầm lạc của ông Phạm Duy Khiêm về gia đình cũ (số 9, 19/5/1939), Vấn đề tài sản giữa vợ chồng (số 175, 30/10/1942). Bài Có cần phải hồi môn không? (số 150, 8/5/1942)...

Báo còn cung cấp thông tin về phụ nữ thế giới giúp giới nữ Việt mở mang thêm hiểu biết về vị trí của nữ giới khắp 5 châu với những bài: Những điều nên nhận xét trong sự nghiệp giữa phụ nữ Pháp - Nam (số 34, 17/11/1939), Lời tuyệt vọng của những bà mẹ Do Thái (số 79, 1/11/1940), Giáo dục phụ nữ ở xứ da đen (số 96, 21/3/1941)…

Báo có mục Chuyện riêng - nơi giải đáp những câu hỏi được chị em, thậm chí cả nam giới gửi về với đủ băn khoăn. Ngoài ra, nhiều bài viết hướng tới xây dựng thế hệ tương lai theo hướng tiến bộ: Cái ống tiền (số 10, 26/5/1939), Những sách để cho trẻ đọc (số 45, 1/3/1940)…

Trong số những cây bút có danh cộng tác cùng báo có thể kể đến Đạm Phương, Vân Đài, Trúc Đường, Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính…

Nhiều độc giả thân thiết và có vị trí trong xã hội đặt mua báo được thể hiện trong mục Thư tín ở những cái tên gửi ngân phiếu mua báo như Nam Phương hoàng hậu ở Huế (số 300-301, 17/8/1945), ông Mai Lĩnh ở Hải Phòng (số 64, 12/7/1940), Vân Đài (số 144, 27/3/1942)…

Số cuối cùng của báo ra ngày 7/9/1945. Giải thích Mặt trận Việt Minh, danh sách “Chính phủ mới Việt Nam”, Bức thư của ông Ng. Ái Quốc gửi cho đồng bào là những tin tức có mặt trên trang 2 của báo. Còn đối với giới nữ, báo kêu gọi trách nhiệm với vận hội mới của đất nước qua các bài: Hoạt động của phụ nữ trong Mặt trận Việt Minh, Lời hiệu triệu các bà mẹ, Nhiệm vụ đầu tiên của Phụ nữ mới…

Trước khi kết thúc sứ mệnh của mình, báo có mẩu tin Báo Đàn bà tạm nghỉ với nội dung: “Trước tình thế hiện thời của nước nhà, chúng tôi cần phải dọn một đường đi, định một tôn chỉ rộng rãi hơn cho tờ Đàn bà để có thể dự phần đào tạo một tinh thần mới cho phụ nữ Việt Nam ta. Nên số này phát hành rồi, chúng tôi sẽ tạm nghỉ ít lâu để chỉnh đốn tòa soạn. Thời kỳ tạm nghỉ chúng tôi sẽ cố thu rất ngắn”. 

Thanh Mai

Ấn Độ vượt qua Anh và Pháp trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới

Ấn Độ vượt qua Anh và Pháp trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới

Giá trị của chứng khoán Ấn Độ đã vượt qua các đối tác Anh và Pháp để vươn lên đứng thứ 4 trên toàn cầu khi các nhà đầu tư quốc tế đổ xô đi mua cổ phiếu của quốc gia đông dân nhất thế giới.