Vinh dự, tự hào được dự lễ và tri ân Tổ nghề
Tham dự Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương thứ 7 có ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ; Đại diện các phòng, ban, đơn vị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại diện chính quyền và các phòng ban của thành phố Việt Trì, UBND phường Dữu Lâu.
Cùng dự còn có đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam; Nghệ nhân Lê Thị Thiết, UVBTV Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, ông Lê Lương Bằng, Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ; Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội đầu bếp Hoàng Gia, các Hiệp hội đầu bếp nhiều tỉnh, thành và hàng trăm đầu bếp, nghệ nhân, khách mời.
Đây là sự kiện được đánh giá quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 500 đầu bếp đến từ nhiều đơn vị, nhà hàng, Hiệp hội khắp ba miền đất nước.
Ngay sau phần tế lễ, các đoàn đại biểu, đại diện chính quyền, Sở, ban ngành và các Hiệp hội đầu bếp lần lượt vào dâng hương, tỏ lòng thành kính tri ân Tổ nghề bếp Việt Nam – Hùng Chiêu Vương thứ 7.
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ Hoàng tử Lang Liêu tại Đình Dữu Lâu sáng 7/5, ông Vũ Ngọc Vượng, Phó chủ nhiệm Chi hội phở Vân Cù, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho biết đây là lần thứ 2 ông được dự sự kiện này và vô cùng xúc động.
“Mình làm nghề đầu bếp đến nay cũng gần 30 năm rồi. Hôm nay, dự sự kiện tri ân Tổ nghề - Hoàng tử Lang Liêu có thể nói là quy mô nhất từ trước đến đây, thực sự thấy bồi hồi và xúc động. Từ xưa đến nay, tinh thần của người Việt là tôn sư trọng đạo cũng như luôn hướng về những giá trị văn hóa tốt đẹp. Trong ẩm thực cũng vậy, hôm nay chính là một buổi lễ tôn vinh tinh thần tôn sư trọng đạo, hướng về nguồn cội, tri ân Tổ nghề đầu bếp là Hoàng tử Lang Liêu, Hùng Chiêu Vương, vị vua Hùng thứ 7 gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dầy. Tôi cảm thấy rất vinh dự được tham gia lễ dâng hương và giao lưu với anh em đầu bếp cả nước. Đây cũng là dịp để học hỏi, giao lưu, giúp cho nghề của mình ngày một tốt hơn và có những trải nghiệm các món ăn phong phú hơn”, đầu bếp Vũ Ngọc Vượng chia sẻ.
Tại buổi lễ dâng hương tri ân Tổ nghề bếp – Hoàng tử Lang Liêu, hơn 100 mâm lễ là các đặc sản của các vùng miền, các tỉnh thành trong cả nước được 500 đầu bếp tài năng đến từ các Hiệp hội đầu bếp, ẩm thực, các nhà hang chế biến, trình bày đẹp mắt, được xếp thành hình bản đồ tổ quốc.
Vua đầu bếp Phạm Tuấn Hải, một chuyên gia tư vấn ẩm thực nổi tiếng được đông đảo khán giả và công chúng biết đến trong chương trình Master Chef cũng bày tỏ vui mừng và tự hào khi được tham dự một buổi lễ rất lớn tri ân Tổ nghề bếp Việt Nam, tôn vinh công việc mà anh đã có hơn 30 năm gắn bó. Anh chia sẻ: “Từ năm 2017, các đầu bếp đã về đây nhưng cũng chỉ biết đó là nơi thờ vua Hùng Vương thứ 7, tức là Hoàng tử Lang Liêu. Sau này thì cứ đúng ngày 10/4 âm lịch thì về nhưng năm nay mọi người đồng lòng quyết định lấy ngày 10/4 là ngày giỗ Tổ nghề đầu bếp và đã xác lập một kỷ lục gần 200 mâm cỗ và hơn 500 đầu bếp tham gia. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực cho thế hệ trẻ sau này. Chính bản thân tôi đã có hơn 30 năm làm bếp cũng cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện vì chúng ta đã có một Tổ nghề, có một ngày để anh em đầu bếp hội tụ tri ân và cùng giao lưu về văn hóa, ẩm thực. Đây là ngày đáng ghi nhớ, là động lực động viên tinh thần. Nghề nghiệp, tiền bạc, kiến thức thì có thể học được nhưng tinh thần thì phải gắn với lịch sử mà lịch sử gắn liền với nghề bếp, mình tin rằng các bạn đầu bếp sẽ vững tin hơn với nghề nghiệp của mình”, chuyên gia ẩm thực Phạm Tuấn Hải nói.
Kế tục, tự hào và phát triển những giá trị ẩm thực
Chia sẻ về giá trị tinh hoa ẩm thực dân tộc được trao truyền, lưu giữ và phát huy suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, nghệ nhân Lê Thị Thiết, UVBTV Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết: Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương thứ 7 là người có công tạo ra bánh chưng, bánh dày. Đây được xem là tinh hoa văn hóa ẩm thực từ xa xưa của người Việt, đại diện cho trời đất vẹn tròn. Quá trình tạo ra chiếc bánh từ công đoạn chọn nguyên nguyên liệu, lá dong để gói bánh rồi đến ninh trên lửa cũng đã được xem xét đến yếu tố bảo quản rất tốt. Đến nay, bánh chưng của Việt Nam thậm chí đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Đó chính là giá trị tiếp nối, kết nối văn hóa từ cổ truyền đến hiện tại. Sự kiện dâng hương, dâng lễ lên Hoàng tử Lang Liêu hôm nay chính là để tôn vinh, tri ân công đức của Tổ nghề bếp Việt Nam và giới thiệu, lan tỏa những tinh hoa văn hóa, ẩm thực các vùng miền của Việt Nam.
“Ngày xưa thì quy mô chỉ nhỏ thôi. Các đầu bếp đến hành hương, có gì lễ đó, dâng lên tưởng nhớ đến Ngài, rồi dần dần lên thành nhiều nhóm, có khi đến 100 nhóm, đặc biệt năm nay lên tới hơn 500 đầu bếp, nghệ nhân, các doanh nghiệp trong ngành F&B. Họ rất mong muốn được mang những sản vật của địa phương mình để dâng lên Tổ nghề - Hoàng tử Lang Liêu. Sự kiện hôm nay có thể nói là quy mô nhất từ trước tới nay, là sự kết hợp của Liên chi hội đầu bếp VCF, các đầu bếp trên toàn quốc và Ban tổ chức cũng như chính quyền sở tại, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ,…Cùng với đó, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan để có được một chương trình khánh tiết đón bà con rất ý nghĩa, chỉn chu hơn, trang trọng hơn. Tại buổi lễ hôm nay, các đầu bếp, nghệ nhân về đây với những mâm lễ rất đặc sắc, những món ăn nổi tiếng của các vùng miền khắp 63 tỉnh, thành để dâng lên Tổ nghề và giới thiệu với quan khách về những sản vật quê hương mình. Với cá nhân tôi, trong suốt 4 năm đồng hành cùng sự kiện này, tôi cũng như nhiều đại biểu, nghệ nhân về dự hôm nay đều rất hân hoan, thành kính với mong muốn dâng lên Tổ nghề những đặc sản do chính người đầu bếp làm ra, với tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn”, nghệ nhân Lê Thị Thiết bày tỏ.
Đồng hành cùng sự kiện dâng hương, dâng lễ tri ân Hoàng tử Lang Liêu suốt 5 năm, các đầu bếp, nghệ nhân thuộc Hội đầu bếp Hà Nội cũng đã chuẩn bị những mâm lễ rất đặc sắc, công phu để dâng Tổ nghề. Nghệ nhân Phạm Bá Hà, Chủ tịch Hội đầu bếp Hà Nội bày tỏ vui mừng khi năm thứ 5 liên tiếp được tham dự sự kiện hết sức ý nghĩa này.
“Mình rất vui khi đồng hành cùng sự kiện này suốt những năm qua. Hôm nay, Hội đầu bếp Hà Nội lại được cùng với các Hội địa phương dâng hương, dâng lễ tri ân Tổ nghề. Thực sự rất vinh dự, cầu mong cho anh em đầu bếp một năm được thuận lợi, gặp nhiều may mắn trên con đường ẩm thực, lan tỏa những giá trị, tinh hoa, đặc sắc vùng miền đến cộng đồng yêu ẩm thực trong cả nước và đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, Chủ tịch Hội đầu bếp Hà Nội chia sẻ.
Đình Dữu Lâu là nơi phối thờ Hoàng tử Lang Liêu, hiệu là Hùng Chiêu Vương - Vua Hùng thứ VII trong 18 đời Vua Hùng. Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương là người đã có công sáng tạo ra bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho “Trời tròn - Đất vuông”; là một vị vua hiền tài, đức độ, luôn lấy nhân nghĩa làm gốc để trị vì thiên hạ.
Để tưởng nhớ công đức của Ngài, vào mùng 10/4 âm lịch hằng năm, chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức lễ dâng hương tại đình Dữu Lâu. Đặc biệt, với việc suy tôn Ngài là ông Tổ nghề đầu bếp - người sáng lập ra nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam, những năm gần đây, đông đảo nghệ nhân, đầu bếp và những người yêu ẩm thực trong cả nước đã tới tham dự lễ dâng hương và mang theo những món ăn truyền thống, đặc sản vùng miền để dâng lên Tổ nghề.
Lễ dâng hương tưởng nhớ Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương là một trong những hoạt động thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
500 nghệ nhân, đầu bếp sẽ dâng 100 mâm lễ tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu
Sự kiện không chỉ là dịp để tưởng nhớ những công lao to lớn của Hoàng tử Lang Liêu mà còn là cơ hội để gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.