Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Phở Nam Định trên hành trình UNESCO, giữ "hồn cốt" trong kỷ nguyên số

Mang theo khát vọng đưa phở Nam Định lên bản đồ di sản UNESCO, nghệ nhân Lê Thị Thiết đã chia sẻ tại Festival Phở 2025 về những bí quyết độc đáo và tâm huyết giữ gìn "hồn cốt" truyền thống trong kỷ nguyên số.
Không gian Phở Xưa Nam Định tại  Festival Phở 2025
Không gian Phở Xưa Nam Định tại  Festival Phở 2025

Tại không gian rộn ràng của Festival Phở 2025, nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định, chủ thương hiệu Phở Xưa Nam Định, đã có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển và quảng bá món phở đặc trưng của quê hương.

Với niềm tự hào, bà Thiết cho biết, Phở Xưa Nam Định là một thương hiệu được xây dựng trên nền tảng tập thể, nơi các thành viên cùng nhau trau dồi kinh nghiệm, góp phần đưa hương vị phở Nam Định nói chung và các thương hiệu cá nhân của hội viên nói riêng lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

"Tôi tham gia Festival Phở 2025  để giới thiệu và quảng bá món phở bò Nam Định đã vinh dự được ghi nhận là 'Tri thức dân gian Phở Nam Định' - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Chúng tôi đang ấp ủ hy vọng phở Nam Định sẽ tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản đại diện của nhân loại"- nghệ nhân Lê Thị Thiết chia sẻ đầy kỳ vọng.

Bà Thiết nhấn mạnh sự khác biệt độc đáo của phở Nam Định so với các vùng miền khác, đặc biệt là ở các gia vị được truyền lại qua nhiều thế hệ. "Phở Nam Định có bí quyết gia truyền với 7 loại thảo mộc đặc trưng để tạo nên hương vị riêng biệt. Và một điều không thể thiếu, làm nên sự quen thuộc và thân thương của phở Nam Định với người Việt, chính là hương vị nước mắm đậm đà" -bà tiết lộ.

Nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định, chủ thương hiệu Phở Xưa Nam Định kỳ vọng phở Nam Định sẽ được UNESCO công nhận là di sản đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định, chủ thương hiệu Phở Xưa Nam Định kỳ vọng phở Nam Định sẽ được UNESCO công nhận là di sản đại diện của nhân loại.

Theo nghệ nhân, yếu tố then chốt để nấu nên một tô phở ngon nằm ở cái "tâm" của người đầu bếp. "Khi chúng ta đặt trọn tâm huyết vào từng công đoạn, chúng ta sẽ tạo ra một bát phở kỳ công và chỉnh chu. Phở là một món ăn rất khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ từ người nấu đến người thưởng thức. Nó còn là một phần văn hóa nổi trội của mỗi vùng miền, nếu không hiểu được văn hóa đó, chúng ta khó có thể thành công"- bà nói.

Bà cũng không ngần ngại chia sẻ về sự thay đổi trong khẩu vị của cộng đồng: "Để phở Nam Định có thể trường tồn, chúng tôi luôn lắng nghe những góp ý từ thực khách. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mọi người ngày càng khắt khe hơn trong việc ăn uống."

Nghệ nhân Lê Thị Thiết cũng hé lộ một "công thức" đặc biệt của phở Nam Định: "Phở Nam Định có "3 không" và "3 có". "3 không" là không mì chính, không chanh, không rau giá. Còn "3 có" chính là có nước mắm, có dấm tỏi và có tương ớt. Đây không chỉ là công thức mà còn là câu chuyện văn hóa, là sự khác biệt làm nên bản sắc của phở Nam Định."

Nghệ nhân Lê Thị Thiết đã hé lộ một
Nghệ nhân Lê Thị Thiết đã hé lộ một "công thức" đặc biệt của phở Nam Định

Là món ngon đã "định vị" trong lòng thực khách nhưng phở Nam Định cũng đối diện với không ít thách thức. Tuy nhiên, bà Thiết bày tỏ sự lạc quan khi thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm và tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa của món phở này. Bà cũng đề cập đến xu hướng sáng tạo phở của giới trẻ và những người làm review ẩm thực.

"Việc các bạn trẻ sáng tạo ra những món phở như phở tôm hùm, phở cá... là điều thú vị, nhưng chúng ta cần bám sát vào truyền thống để phát triển. Trong kỷ nguyên số, sự chia sẻ của các bạn trẻ sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc và quy chuẩn hơn cho phở Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về một bát phở đích thực của Việt Nam," bà nhấn mạnh.

Nghệ nhân Lê Thị Thiết cùng các đầu bếp tất bật phục vụ thực khách sau Lễ khai mạc Festival Phở 2025 
Nghệ nhân Lê Thị Thiết cùng các đầu bếp tất bật phục vụ thực khách sau Lễ khai mạc Festival Phở 2025 

Nghệ nhân Lê Thị Thiết trăn trở về việc nhiều người nước ngoài chỉ biết đến phở Việt Nam một cách đơn giản là bánh, thịt, nước và rau thơm. Bà khẳng định: "Đó là cả một sự kỳ công, là tâm huyết của những người đầu bếp. Họ phải ninh nước dùng từ 30 đến 40 tiếng mới có được cốt nước ngọt thanh. Bánh phở cũng phải được lựa chọn từ loại gạo đặc biệt để có độ dẻo dai, hòa quyện với nước dùng. Thịt bò cũng vậy, mỗi phần thịt nạc sẽ được chế biến khác nhau cho tái, gầu, sốt vang..."

Bà kỳ vọng rằng, thông qua sự quảng bá của giới trẻ trong kỷ nguyên số, câu chuyện chính thống về văn hóa phở Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn. "Nếu không có hồn cốt truyền thống, sẽ không có văn hóa bền vững. Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn truyền tải tại Festival Phở 2025 với chủ đề 'Tinh hoa phở Việt - Di sản trong kỷ nguyên số' đến với các bạn trẻ"- bà Thiết nhấn mạnh.

Không gian Phở Xưa Nam Định nhộn nhịp khách trải nghiệm
Không gian Phở Xưa Nam Định nhộn nhịp khách trải nghiệm

Hoàng Toàn

Hà Nội tổ chức 'Festival Phở năm 2025' tôn vinh di sản ẩm thực quốc gia

Hà Nội tổ chức "Festival Phở năm 2025" tôn vinh di sản ẩm thực quốc gia

Phở Hà Nội, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ là tâm điểm của 'Festival Phở năm 2025' tại Hoàng thành Thăng Long.