![]() |
Bò kho, cà ri gà, phá lấu, thắng cố đã xuất sắc lọt vào danh sách những món hầm ngon nhất Đông Nam Á |
Theo Matija Babić, nhà sáng lập chuyên trang Taste Atlas, mọi danh sách xếp hạng đều dựa trên ý kiến của các chuyên gia và nhà phê bình ẩm thực nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác. Điều này càng khẳng định rằng ẩm thực Việt Nam ngày càng nhận được sự công nhận và yêu thích trên trường quốc tế.
Bò kho món hầm trứ danh của Việt Nam
Với số điểm 4,4/5 sao, bò kho của Việt Nam xuất sắc giành vị trí thứ 9 trong danh sách của Taste Atlas. Theo đánh giá của chuyên trang này, bò kho là một món ăn phổ biến, có thể thưởng thức riêng hoặc ăn kèm với bánh mì cùng các loại rau thơm. Thành phần chính gồm thịt bò thái nhỏ, cà rốt, sả, quế, ớt, tiêu, tỏi, hành tím và được hầm trong nước dùng thơm lừng, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.
![]() |
Với số điểm 4,4/5 sao, bò kho của Việt Nam xuất sắc giành vị trí thứ 9 trong danh sách. Ảnh: ITN |
Bò kho không chỉ phổ biến trong các bữa ăn gia đình mà còn xuất hiện nhiều trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, thậm chí là các tiệc cưới, tiệc tùng. Đặc biệt, khi kết hợp với bánh mì hoặc hủ tiếu, món ăn này càng trở nên hấp dẫn hơn với thực khách trong và ngoài nước.
Món cà ri gà phiên bản Việt Nam
Mặc dù có nguồn gốc từ Ấn Độ, cà ri gà kiểu Việt vẫn ghi điểm mạnh mẽ nhờ hương vị béo ngậy và đậm đà. Taste Atlas đánh giá cao món ăn này bởi sự kết hợp hài hòa giữa thịt gà, khoai tây, cà rốt, hành tây, tỏi, nước cốt dừa, nước dùng gà cùng các loại thảo mộc và gia vị đặc trưng như sả, nước mắm, lá nguyệt quế, bột cà ri. Theo chuyên gia ẩm thực, lý tưởng nhất là nên ướp thịt gà qua đêm trước khi nấu để hương vị thấm đều. Cà ri gà thường được ăn kèm với cơm trắng hoặc bánh mì.
![]() |
Món cà ri gà phiên bản Việt Nam. Ảnh: ITN |
So với cà ri Ấn Độ, phiên bản cà ri Việt Nam có phần dịu hơn, ít cay hơn và phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn. Đây cũng là món ăn thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình hoặc các dịp lễ hội quan trọng.
Phá lấu, món ăn đường phố đặc sắc của TP.HCM
Phá lấu là một trong những món ăn đường phố quen thuộc của người dân TP.HCM. Món ăn này được chế biến từ nội tạng của lợn, gà, vịt hoặc bò, kết hợp với các gia vị như nước tương, tỏi, hạt tiêu, muối, đường, rượu trắng, quế, hoa hồi và bột ngũ vị hương. Để có được hương vị thơm ngon, phần nội tạng sau khi chiên sẽ được hầm trong nước dừa đến khi mềm. Khi thưởng thức, phá lấu thường được ăn kèm với nước chấm ớt tỏi, bánh mì hoặc cơm.
![]() |
Phá lấu là một món ăn nhẹ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, cực kì phổ biến trong văn hóa ẩm thực đường phố tại TP.HCM. Ảnhr: ITN |
Món ăn này không chỉ hấp dẫn với người dân địa phương mà còn thu hút nhiều du khách nước ngoài khi đến TP.HCM. Các xe đẩy phá lấu ven đường hay các quán nhỏ trong chợ luôn tấp nập thực khách, đặc biệt vào buổi chiều tối.
Thắng cố đặc sản Tây Bắc
Xếp thứ 87 trong danh sách, thắng cố là món ăn đặc trưng của đồng bào vùng cao Tây Bắc. Nguyên liệu chính là thịt và lòng ngựa, được cho vào chảo lớn, thêm gia vị rồi hầm nhừ, tạo nên hương vị độc đáo. Đây là món ăn thường xuất hiện trong các phiên chợ vùng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() |
Thắng cố đặc sản Tây Bắc. Ảnh: ITN |
Thắng cố không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa, thể hiện sự gắn kết cộng đồng của người dân vùng cao. Mỗi dịp chợ phiên hay lễ hội, người dân thường quây quần bên nồi thắng cố, cùng nhau thưởng thức hương vị đặc biệt của món ăn này.
Ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới
Những món ăn như bò kho, cà ri gà, phá lấu, thắng cố góp mặt trong danh sách những món hầm ngon nhất Đông Nam Á không chỉ khẳng định vị thế của ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới mà còn là niềm tự hào đối với những người yêu thích ẩm thực nước nhà.
Không chỉ có các món hầm, ẩm thực Việt Nam còn sở hữu nhiều món ăn độc đáo, từ các món phở, bún, đến bánh mì và hàng loạt món ăn đường phố nổi tiếng. Những món ăn này không chỉ thu hút thực khách trong nước mà còn được bạn bè quốc tế yêu thích, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra toàn cầu.
Con rể vừa bước vào sân, mẹ vợ vội bê mâm cơm cất đi, lúc mở lồng bàn ra, tôi bàng hoàng khi thấy món ăn trên đĩa
Thái độ của mẹ rất khác với ngày thường, phải chăng trong mâm cơm có món ăn gì lạ nên mẹ không muốn cho con rể biết?