Tham dự Ngày hội truyền thống nghề phở Vân Cù có bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Văn Thư, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Văn hóa ẩm thực Nam Định; PGS. TS. Đặng Văn Bài, PCT Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam; các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực; đại diện Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Sơn. Cùng dự còn có các đầu bếp đến từ Hội đầu bếp hoàng gia, Hội đầu bếp chuyên nghiệp Nam Định, các nghệ nhân phở khắp mọi miền tổ quốc và đông đảo du khách và những người yêu phở.
Phát biểu khai mạc lễ hội, bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp Hội Văn hóa ẩm thực Nam Định cho biết, “Ngày hội truyền thống phở Vân Cù” là một sự kiện rất ý nghĩa nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của nghề phở - niềm tự hào của quê hương Nam Định.
“Làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định từ lâu đã được biết đến là cái nôi của nghề phở Việt Nam. Từ những bếp lửa đầu tiên ở nơi đây, từ những gánh phở, tinh hoa phở đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước, trở thành món ăn mang đậm hồn cốt văn hóa Việt. Đặc biệt, năm 2024, “Tri thức dân gian phở Nam Định” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều này càng khẳng định giá trị độc đáo và sức sống bền bỉ của nghề phở Vân Cù”, bà Lê Thị Thiết chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định cũng cho biết thêm, Ngày hội truyền thống phở Vân Cù là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội Đền chùa làng Vân Cù diễn ra vào tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã khai sáng và gìn giữ nghề phở. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của các thế hệ trong việc bảo tồn và phát huy di sản quý báu này.
Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như lễ rước kiệu các sản phẩm phở dâng lên Thành hoàng làng, cuộc thi tìm hiểu nghề phở dành cho học sinh trung học cơ sở và đặc biệt là chương trình tham quan, trải nghiệm, thưởng thức phở do 50 nghệ nhân của Chi hội phở Vân Cù trình diễn.
“Những hoạt động này không chỉ tôn vinh giá trị truyền thống mà còn khẳng định sức sống mạnh mẽ, khả năng thích ứng và phát triển của nghề phở trong đời sống hiện đại. Đồng thời, cũng là bước chuẩn bị ý nghĩa hướng tới sự kiện Festival Phở năm 2025 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội – nơi phở Nam Định sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và lan tỏa bản sắc độc đáo của mình”, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định cho hay.
Trong dòng người tham dự Ngày hội truyền thống phở Vân Cù, bà Vũ Thị Đào, một người con quê hương Vân Cù, hiện đang sinh sống tại Hà Nội xúc động khi nói về quê hương và nghề phở truyền thống đã có lịch sử lâu đời: “Tôi rất tự hào về quê hương làng Vân Cù. Có thể nói, nghề phở đã tạo ra một món ăn hấp dẫn mang bản sắc rất riêng của Việt Nam mang giá trị văn hóa lưu truyền từ đời này qua đời khác. Từ những gánh phở rất xưa phát triển đến hôm nay với rất nhiều nghệ nhân làm nghề và hoạt động khắp mọi miền tổ quốc. Và hiện nay, phở cũng đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Tôi sống ở Hà Nội nhưng hằng năm vẫn về dự ngày hội truyền thống nghề phở làng Vân Cù. Với tôi, đó không chỉ là tình yêu mà còn là niềm tự hào về một đặc sản, một nét văn hóa của ẩm thực quê hương”, bà Đào chia sẻ.
Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và nay đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam, PGS. TS. Trần Đáng bày tỏ vui mừng khi tham dự sự kiện rất có ý nghĩa về văn hóa, ẩm thực của người Thành Nam nói riêng và tôn vinh nghề phở, văn hóa phở Việt Nam tới cộng động và thế giới. Theo PGS. TS. Trần Đáng, phở vừa là món ăn truyền thống vừa là nét văn hóa rất đặc trưng của Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung trong bản đồ ẩm thực thế giới và được bạn bè quốc tết biết đến rất nhiều.
“Tôi rất vui khi được về tham dự Ngày hội truyền thống phở Vân Cù. Đây là một hoạt động văn hóa rất đặc sắc và có ý nghĩa trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và vai trò của phở Việt Nam. Có thể nói phở là một món ăn vừa mang tính văn hóa, vừa có tính ẩm thực rất đặc biệt. Phở cũng là món ăn có lịch sử và nguồn gốc từ rất lâu đời. Và hiện nay, đã lan tỏa ra khắp thế giới. Lễ hội hôm nay đã góp phần tôn vinh nghề phở và những giá trị trong đời sống văn hóa, ẩm thực của Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam nói.
Cũng trong chương trình sự kiện Ngày hội phở Vân Cù, Ban tổ chức và các nhà tài trợ đã trao bằng khen và quà cho 3 giáo viên và 12 học sinh trường THCS Đồng Sơn đã đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu về nghề phở Vân Cù. Tại sự kiện, nhiều thực khách cũng được trải nghiệm không gian phở và thưởng thức phở truyền thống làng Vân Cù được chế biến bởi 50 đầu bếp là các nghệ nhân làng phở Vân Cù. Trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, theo ban tổ chức, 6000 bát phở đã được các nghệ nhân chế biến để phục vụ trải nghiệm, thưởng thức của người dân và du khách.
Cận cảnh robot thông minh nấu phở tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024
Robot thông minh nấu phở có thể được lập trình để thực hiện nhiều bước khác nhau trong quy trình chế biến, từ sơ chế nguyên liệu đến phục vụ thành phẩm.