Hội thảo khoa học “Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: thực trạng và hàm ý chính sách”

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: thực trạng và hàm ý chính sách.
Quang cảnh Hội thảo khoa học
Quang cảnh Hội thảo khoa học

Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 sau hơn nửa chặng đường triển khai.

Bà Hiền nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới lần thứ hai thể hiện sự quan tâm và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong việc thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay, 13/20 chỉ tiêu của Chiến lược đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra cho năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Những thành tựu đáng kể này đã góp phần nâng cao quyền năng kinh tế, chính trị cho phụ nữ, giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm, cải thiện sức khỏe và trình độ học vấn của phụ nữ. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng về bình đẳng giới toàn cầu, đạt vị trí thứ 72 vào năm 2024 và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 của Liên hợp quốc về bình đẳng giới. Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027 càng khẳng định uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nêu bật những nỗ lực và sáng kiến của Hội trong việc triển khai Chiến lược, từ tuyên truyền nâng cao nhận thức, tham mưu xây dựng chính sách, đến tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ do bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, cùng với những tồn tại nội tại trong vấn đề bình đẳng giới. Hội thảo lần này là cơ hội quan trọng để đánh giá thực trạng, vai trò của Hội, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và việc hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030.

Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội thảo
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội thảo

Trong bối cảnh nói trên, Hội thảo khoa học “Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: thực trạng và hàm ý chính sách” hôm nay là thời điểm hết sức cần thiết, quan trọng để nhìn nhận, đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược; xem xét vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đối với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất giải pháp và điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt trách nhiệm của Hội tại Chiến lược, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược nói riêng, tích cực thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.

Bà bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có những đánh giá sâu sắc và đề xuất giải pháp hiệu quả, giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Thạc sĩ Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới (Bộ Nội vụ)
Thạc sĩ Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới (Bộ Nội vụ)

Trình bày tham luận về "Tổng quan kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và những vấn đề cần quan tâm đến năm 2030", Thạc sĩ Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới (Bộ Nội vụ), đã chỉ ra những kết quả đạt được và những thách thức còn tồn tại trong tiến trình thực hiện mục tiêu quan trọng này. Đồng thời, ông đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới vào năm 2030.

Theo Thạc sĩ Lê Khánh Lương, bên cạnh những thành tựu nhất định, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn vừa qua vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề cần được quan tâm sâu sắc. Để khắc phục những tồn tại và hướng tới mục tiêu năm 2030 một cách hiệu quả, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới đã đề xuất 8 giải pháp trọng tâm:

Sớm thống nhất bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ. 

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát Luật Bình đẳng giới. 

Tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép giới trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu còn đạt kết quả thấp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và mục tiêu số 5 của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Sơ kết, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu của Chiến lược và đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu mình đẳng đẳng giới.

Xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện, đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông sinh động, dễ hiểu và truyền tải đầy đủ các nội dung truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình, đề án liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Tiếp tục phát huy vai trò, nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027 nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với quốc tế.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Những đề xuất này của Thạc sĩ Lê Khánh Lương được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), đã trình bày tham luận sâu sắc về “Mục tiêu Bình đẳng giới trong Đời sống Gia đình và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên Cơ sở giới (Giai đoạn 2021-2025): Thực trạng, Vấn đề và Giải pháp”.

Trong bài trình bày của mình, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh rằng, bất chấp sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tình trạng bất bình đẳng trong phân công công việc gia đình vẫn là một thách thức dai dẳng. Các chuẩn mực giới truyền thống, ăn sâu vào nhận thức xã hội, tiếp tục đặt gánh nặng nội trợ và chăm sóc gia đình lên vai phụ nữ. Thực tế này, theo bà, vẫn chưa nhận được sự nhìn nhận và điều chỉnh thỏa đáng từ các chính sách và cộng đồng.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cũng chỉ ra một vấn đề đáng quan ngại khác là tỷ lệ nạn nhân bạo lực tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là các dịch vụ công như công an, y tế, tư vấn pháp lý và nhà tạm lánh, vẫn còn rất thấp. Bà cho rằng, người dân vẫn có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ mạng lưới gia đình và bạn bè hơn là tìm đến các cơ quan chức năng. Các rào cản văn hóa và tâm lý như sự xấu hổ, cam chịu và thiếu tin tưởng vào hệ thống dịch vụ công được xác định là những nguyên nhân sâu xa cản trở nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Một điểm đáng lưu ý khác được PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đề cập là tình trạng bạo lực gia đình thường bị che giấu và không được phát hiện. Do phần lớn nạn nhân không chủ động tìm đến các dịch vụ hỗ trợ, việc chỉ tập trung vào việc "nạn nhân tiếp cận" sẽ khiến các chỉ tiêu về hỗ trợ nạn nhân trở nên khó đạt được.

Thêm vào đó, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cũng chỉ ra sự thiếu hụt của một hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp và tích hợp là một rào cản lớn. Các dịch vụ hiện tại thường hoạt động rời rạc, thiếu nguồn lực và chưa được thiết kế phù hợp với đặc điểm giới và văn hóa địa phương, gây khó khăn cho nạn nhân trong việc tiếp cận sự hỗ trợ toàn diện.

Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia Quản lý Chương trình UN Women Việt Nam
Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia Quản lý Chương trình UN Women Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia Quản lý Chương trình UN Women Việt Nam, nhận định vẫn còn tồn tại những khoảng cách đáng kể. Để đạt được mục tiêu bình đẳng thực chất, bà đã đưa ra những phân tích sâu sắc và đề xuất các khuyến nghị cụ thể, tập trung vào việc nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các Khuyến nghị chung của CEDAW.

Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách là ưu tiên hàng đầu. Bà đề xuất cần tăng cường luật pháp quốc gia để phù hợp với các Khuyến nghị chung của CEDAW (GR 28 về phụ nữ trong hòa bình và xung đột, GR 33 về tiếp cận công lý của phụ nữ), đồng thời bổ sung định nghĩa toàn diện về phân biệt đối xử với phụ nữ vào Luật Bình đẳng giới. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các quy định phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình và các luật ngành khác là cần thiết để đảm bảo bình đẳng thực chất trên mọi lĩnh vực.

Về vai trò của cơ chế bình đẳng giới quốc gia, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh cho rằng cần xác định rõ ràng và tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn để đảm bảo hiệu quả hoạt động và điều phối. Bà cũng đề xuất thể chế hóa việc lập kế hoạch và ngân sách đáp ứng giới trên tất cả các bộ, ngành.

Một vấn đề quan trọng khác được chuyên gia UN Women đề cập là bất bình đẳng trong công việc chăm sóc. Bà khuyến nghị cần ghi nhận giá trị của công việc chăm sóc không được trả lương và có các biện pháp giảm thiểu, phân phối lại công việc này một cách công bằng hơn giữa nam và nữ thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc và an sinh xã hội, đặc biệt là tăng cường đầu tư công vào các trung tâm chăm sóc trẻ em và người cao tuổi. Đồng thời, cần thúc đẩy trách nhiệm chung trong việc chia sẻ công việc chăm sóc giữa các thành viên gia đình và tiến hành Khảo sát sử dụng thời gian thường xuyên để có dữ liệu chính xác phục vụ xây dựng chính sách. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện an sinh xã hội cho lao động nữ phi chính thức và di cư.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh đặc biệt lưu ý đến việc thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận công nghệ và kỹ thuật số. Bà đề xuất đảm bảo tiếp cận bình đẳng với kiến thức, công nghệ và an toàn trực tuyến cho phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực STEM và công nghệ, tăng cường đào tạo kỹ năng số và lồng ghép yếu tố giới trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Về thúc đẩy lãnh đạo nữ, chuyên gia UN Women nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng và thực hiện các cơ chế mạnh mẽ như hạn ngạch và mục tiêu cụ thể, phát triển đội ngũ cán bộ nguồn thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn, và đưa ra các biện pháp thúc đẩy để tăng cường số lượng và chất lượng lãnh đạo nữ ở tất cả các cấp, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBTQI+ và người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận công lý và bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc mở rộng trợ giúp pháp lý miễn phí, các nhà tạm lánh an toàn, đào tạo cán bộ pháp lý về nhạy cảm giới và nâng cao trách nhiệm giải trình trong các vụ việc bạo lực. Bà cũng lưu ý đến việc giải quyết những thách thức mới nổi bằng cách lồng ghép giới vào các chính sách về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và quản trị kỹ thuật số, cũng như tăng cường an toàn và bảo vệ trên không gian mạng.

Cuối cùng, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và bằng chứng trong việc theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Bà khuyến nghị tăng cường đầu tư vào thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu phân tách theo giới tính và thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ đối với các chỉ số SDG 5 và các Quan sát kết luận của Ủy ban CEDAW.

Những khuyến nghị toàn diện này cho thấy Việt Nam cần có những nỗ lực phối hợp và hành động quyết liệt trên nhiều lĩnh vực để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và đạt được một xã hội công bằng, bình đẳng thực chất cho tất cả mọi người.

Phó Chủ tịch Trung ươngHội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tổng kết hội thảo
Phó Chủ tịch Trung ươngHội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tổng kết hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ươngHội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đã nhấn mạnh vai trò chủ động của Hội trong việc triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Theo bà, Hội đã có nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần không nhỏ vào tiến trình này thông qua các hoạt động đa dạng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định: "Hội thảo khoa học 'Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: Thực trạng và hàm ý chính sách' là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là cơ hội để xem xét vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đối với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp và điều chỉnh phù hợp, nhằm thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của Hội trong Chiến lược, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu chung và tích cực thúc đẩy bình đẳng giới trong toàn xã hội."

Hội thảo đã thu hút sự tham gia và đóng góp trí tuệ của đông đảo chuyên gia, học giả, nhà quản lý và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bình đẳng giới. Nhiều vấn đề then chốt đã được đưa ra thảo luận, bao gồm:

Đánh giá kết quả thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025; Các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Những vấn đề giới mới nổi và cần được quan tâm trong giai đoạn tới; Thực trạng và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ và lĩnh vực chính trị, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy; Phân tích các yếu tố tác động từ bối cảnh hiện tại đến việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030; Các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê, thông tin và báo cáo về bình đẳng giới.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong việc triển khai các mục tiêu bình đẳng giới tại cơ sở, đồng thời phân tích sâu sắc thực trạng, chỉ ra những nguyên nhân và hạn chế còn tồn tại trong công tác này.

Nhiều vấn đề nóng trong đời sống xã hội cũng được các đại biểu đưa ra bàn thảo sôi nổi, thể hiện sự trăn trở và mong muốn tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Các vấn đề đáng chú ý bao gồm: các hình thái bạo lực đối với người cao tuổi, thực trạng bạo lực và xâm hại trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình, sự cần thiết lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách và kế hoạch, cũng như những thách thức trong công tác cán bộ nữ hiện nay.

Đặc biệt, hội thảo đã ghi nhận nhiều dự báo và đề xuất giải pháp phù hợp, được kỳ vọng sẽ giúp Hội LHPN Việt Nam có thể đóng góp một cách tích cực và hiệu quả hơn nữa vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030 trong bối cảnh mới, thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới trên khắp cả nước.

Hoàng Toàn

Diễn đàn liên thế hệ: 'Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới' cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm

Diễn đàn liên thế hệ: "Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới" cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm

Ngày 25/3, Trung ương HLHPN Việt Nam và UN Women Việt Nam đã cùng tổ chức Diễn đàn liên thế hệ "Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới".

Đọc nhiều nhất