Chân dung nữ sinh 13 tuổi giúp chế tạo vệ tinh tại Úc

Pema Tsho Sakhu đang thực hiện hóa giấc mơ vươn tới vì sao của mình khi góp phần cùng các chuyên gia chế tạo vệ tinh phóng lên quỹ đạo.

Ở tuổi 13, Pema Tsho Sakhu, một nữ sinh gốc Bhutan hiện đang sinh sống tại thành phố Perth, đã trở thành một trong những thành viên trẻ tuổi nhất tham gia vào hành trình đưa một vệ tinh siêu nhỏ lên quỹ đạo Trái đất, trong khuôn khổ chương trình BinarX tại Đại học Curtin.

Là một học sinh tại Trường Trung học Balcatta, Pema hiện đang cùng các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia giáo dục từ Curtin thiết kế và phát triển một tải trọng khoa học sẽ được tích hợp vào một CubeSat - loại vệ tinh siêu nhỏ có hình khối với kích thước mỗi cạnh chỉ khoảng 10cm. Thông qua vệ tinh, những dữ liệu gửi về dự định sẽ được sử dụng trong nghiên cứu môi trường Trái đất và không gian, đồng thời thử nghiệm các mẫu vật trong môi trường vi trọng lực. Dự án này dự kiến sẽ được phóng vào cuối năm nay.

“Khi nó được phóng lên quỹ đạo, chúng em sẽ theo dõi và thu thập dữ liệu do CubeSat gửi về”, Pema chia sẻ với sự hào hứng. “Khoảnh khắc vệ tinh được phóng lên sẽ vô cùng kỳ thú. Đó là thành quả lao động cả năm của chúng em, và được thấy nó bay quanh Trái đất giống như một giấc mơ trở thành hiện thực”.

Pema Tsho Sakhu đang sống trong giấc mơ của mình
Pema Tsho Sakhu đang sống trong giấc mơ của mình

Niềm đam mê không gian của Pema bắt đầu từ sớm. Năm ngoái, em từng chứng kiến các vụ phóng vệ tinh Binar-2, Binar-3 và Binar-4, một trải nghiệm mà em mô tả là “ngoạn mục”. Từ đó, em tích cực tham gia chương trình BinarX, sáng kiến do Giáo sư Phil Bland, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Curtin, sáng lập và điều phối bởi Meg Berry.

Giáo sư Phil Bland nhận xét: “Pema đã hợp tác chặt chẽ với nhóm phát triển tải trọng tại trường. Em ấy đã hoàn thành xuất sắc các cột mốc quan trọng như đánh giá ý tưởng nhiệm vụ và đánh giá thiết kế sơ bộ. Niềm đam mê của em vượt xa cả khuôn khổ dự án của nhóm. Em và gia đình còn thức đêm cùng chúng tôi để theo dõi các vụ phóng vệ tinh trên tên lửa SpaceX vào tháng 8 năm ngoái”.

Không chỉ dừng lại ở đó, Pema sau đó còn tham gia hỗ trợ gửi lệnh triển khai vệ tinh từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thông qua Cơ quan Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Nỗ lực và đam mê của em đã được ghi nhận bằng học bổng toàn phần từ Quỹ Fogarty hợp tác với Đại học Curtin để phát triển và phóng thành công mô hình tên lửa của chính mình. Đây là một dự án yêu cầu kỹ năng từ thiết kế điện tử, lập trình phần mềm cho đến chế tạo cơ khí.

“Em ấy không chỉ đam mê, mà còn sở hữu tư duy kỹ thuật vượt bậc,” điều phối viên Meg Berry nhận định. “Tại buổi đánh giá thiết kế quan trọng, em đã trả lời lưu loát về chức năng các thành phần của tải trọng như cặp nhiệt điện hồng ngoại và bộ khuếch đại thuật toán. Đó là điều hiếm có ở một học sinh mới 13 tuổi”.

Pema cùng gia đình chuyển đến Perth vào tháng 6 năm 2022 khi mẹ em theo học chương trình thạc sĩ. Việc thích nghi với cuộc sống mới không hề dễ dàng, nhưng em cho biết mình được tiếp thêm sức mạnh từ đức tin vào Tam Bảo (Kencho-sum trong thuật ngữ Bhutan), tầm nhìn của Quốc vương Bhutan về việc trao quyền cho thanh thiếu niên, và sự hy sinh của cha mẹ.

“Bất chấp mọi khó khăn, hành trình học tập của em vẫn đang tiến triển tốt đẹp”, em chia sẻ.

Cha của em, ông Suraj Pradhan, cho biết việc nhìn con gái được làm việc cùng các nhà khoa học, kỹ sư lỗi lạc và thậm chí cả các chuyên gia từng làm việc tại NASA là một giấc mơ trở thành sự thật.

“Con bé không chỉ đọc sách về vệ tinh và tên lửa mà còn thực sự đang thiết kế ra chúng. Khi chúng tôi nhìn thấy tên lửa mô hình của con bé phóng lên bầu trời, với tiếng gầm vang và làn khói kéo dài, đó là khoảnh khắc mà gia đình chúng tôi sẽ mãi không quên”, ông xúc động nói.

“Và khi ai đó hỏi Pema đang làm gì,” ông nói thêm với niềm tự hào, “chúng tôi chỉ có thể đáp rằng: Con bé đang vươn tới những vì sao”.

TM (theo Bhutan Live)

Sophia Crowder, cô gái mang giấc mơ vũ trụ từ vùng quê nước Mỹ

Sophia Crowder, cô gái mang giấc mơ vũ trụ từ vùng quê nước Mỹ

Chính những trải nghiệm của một cô bé mê mẩn những điều kỳ diệu của STEM đã trở thành động lực cho các sáng kiến trao quyền mà Crowder theo đuổi.