Thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ đã chính thức kết thúc

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) ngày 8/6 tuyên bố suy thoái kinh tế đã bắt đầu trong tháng 2 và thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ đã chính thức kết thúc kể từ đó.

Theo NBER, các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ trong nhiều phương diện, từ ngành hàng không cho đến du lịch bằng du thuyền, nhà hàng…

  Thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ đã chính thức kết thúc.

Thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ đã chính thức kết thúc.

NBER cho hay: “Tính chất nghiêm trọng chưa từng có của sự sụt giảm về việc làm và sản xuất, và phạm vi ảnh hưởng rộng khắp đối với toàn bộ nền kinh tế, là những bằng chứng để xác định giai đoạn này là một cuộc suy thoái ”.

GDP của Mỹ trong quý IV/2020 có thể giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ đón làn sóng trỗi dậy của các hoạt động kinh tế trong những tháng tới, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO).

Tháng trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã tăng dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2021 từ 2,8% lên 4,2%, nhưng triển vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ vẫn còn cả con đường dài phía trước. Dự báo này được tính toán dựa trên kịch bản suy giảm kinh tế đột ngột và nghiêm trọng cộng với các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì ở một mức độ nào đó, ít nhất trong một năm nữa.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính GDP Mỹ trong quý II/2020 sẽ giảm mạnh 11,2% so với quý trước đó, gấp bốn lần mức giảm hàng quý sâu nhất kể từ năm 1947.

Hoạt động đầu tư nhà ở và hoạt động kinh doanh sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2020, nhưng cả hai mảng này trong quý IV/2020 được dự báo sẽ lần lượt suy giảm 15,8% và 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiêu tiêu dùng cũng không thoát khỏi cảnh sụt giảm và thậm chí là trượt dốc tới 4,1% trong quý IV, trong khi mua sắm công có thể sẽ giảm 1%.

Phao cứu sinh cho nền kinh tế Mỹ lúc này là 4 gói kích thích kinh tế được Quốc hội Mỹ phê chuẩn kể từ tháng 3. Tuy nhiên, các gói kích thích này sẽ để lại "tác dụng phụ" đáng kể, khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng vọt thêm 2.200 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9 tới và tăng thêm 600 tỷ USD năm tiếp theo.

Các gói kích thích vẫn bị đánh giá là chưa đủ để "cấp cứu" thị trường lao động khi mà thị trường này trong quý II/2020 suy thoái nặng nề nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Số việc làm tại Mỹ trong quý II/2020 giảm còn 133 triệu, trong khi còn số này đạt 158,6 triệu vào cuối năm 2019 - gấp 4 lần số lao động thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái năm 2007-2009.

Thị trường việc làm Mỹ trong quý III/2020 được dự đoán sẽ dần ổn định trở lại. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ nhận định, số việc làm gia đình hay công việc nội trợ tại Mỹ sẽ vẫn duy trì mức thấp so với trước đại dịch và có thể tăng lên khoảng 148 triệu trong quý IV/2021.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương