Thông tin nổi bật tuần qua: Khởi tố hàng loạt cán bộ cấp cao, giá vàng lên đỉnh, bệnh nhân 91 về nước...

Giá vàng lên đỉnh, phi công người Anh về nước, Mỹ chính thức rút khỏi WHO... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Khởi tố phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Ngày 11/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an thông tin chính thức về việc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trần Vĩnh Tuyến về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Trần Vĩnh Tuyến.
Ông Trần Vĩnh Tuyến.

Cùng tội danh, C01 cũng khởi tố với ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh văn phòng thành ủy, nguyên bí thư quận ủy quận 3, nguyên giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh;

Trần Quốc Đạt, sinh năm 1963, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh;

Phan Trường Sơn, sinh năm 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh);

Lê Tấn Hòa, sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh;

Ông Tuyến, Tuấn và những bị can khác được xác định có những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Cùng ngày, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh khám xét đối với các bị can, sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn các quyết định của C01.

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại SAGRI, C01 cũng đã khởi tố đối với các bị can Lê Tấn Hùng - 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc và Nguyễn Thành Mỹ - 60 tuổi nguyên phó trưởng phòng kế hoạch - đầu tư SAGRI.

Trước đó, ngày 8/7/2019, C01 cũng ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Vân Trọng Dũng (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI) và Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, cựu kế toán trưởng SAGRI) để điều tra cùng tội danh trên.

Việc khởi tố đối với các bị can trên sau khi Thanh tra thành phố có những kết luận về sai phạm tài chính, quản lý sử dụng vốn, tài sản của SAGRI.

Cựu Bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố

Ngày 10/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ông Hoàng được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Những vi phạm của ông Hoàng có liên quan đến khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng có diện tích hơn 6.000 m2, được biết đến với vị trí đắc địa tại trung tâm Q.1, TP.HCM, với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ). Ban đầu, khu đất này được cơ quan chức năng chủ trương xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng. Tuy nhiên, khu đất sau đó lại được chuyển sang cho Công ty Sabeco Pearl- doanh nghiệp có cổ phần của Sabeco.

Cơ quan chức năng xác định khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa, song những người có trách nhiệm thuộc UBND TP.HCM đã chỉ định cho thuê đất không qua đấu giá gây thiệt hại cho nhà nước.

Cũng trong ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo báo Giao Thông.

Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. 
Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. 

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Trong tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ bí thư Đảng ủy, giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 - 5/2010).

Giá vàng lên đỉnh

Tuần qua, thị trường chứng kiến giá vàng tăng phi mã, đỉnh điểm là hôm 10/7, giá vàng tăng thẳng đứng, lên đỉnh 9 năm.

Giá vàng vọt lên đỉnh trong vòng 9 năm qua. Ảnh minh họa
Giá vàng vọt lên đỉnh trong vòng 9 năm qua. Ảnh minh họa

Ghi nhận lúc 8h30 ngày 10/7, giá vàng SJC niêm yết ở mức 50,12 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,59 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và Đà Nẵng, tăng 170.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 220.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên chiều qua. 

Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 50,25 - 50,65 triệu đồng (mua vào - bán ra), tăng 220.000 đồng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên chiều 9/7. 

Vàng rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 50,11 - 50,71 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 380.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 480.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên chiều qua. 

Nguyên nhân chuyên gia dự báo do thị trường chứng khoán biến động trái chiều, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ làm kìm hãm sự tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn.

Phi công người Anh hết bệnh, về nước

Chiều 6/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân COVID-19 nặng nhất là nam phi công người Anh được công bố khỏi bệnh.

Hình ảnh khoang máy bay Boeing dòng 787-10,
Hình ảnh khoang máy bay Boeing dòng 787-10, "siêu máy bay" hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: VNA

Căn cứ kết luận hội chẩn quốc gia ngày 3/7, bệnh nhân 91 chính thức được công bố khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly. Tuy nhiên, bệnh nhân còn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể hồi hương trên chuyến bay thương mại sau đó.

Ngày 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy tiễn bệnh nhân ra viện về nước với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Tổng lãnh sự quán Anh, UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Đoàn bay 919 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Nam phi công người Anh sẽ ngồi khoang thương gia, hồi hương trên chính máy bay mình từng lái. Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng sắp xếp ghế đồng hạng cho 3 bác sĩ đi cùng và bố trí vị trí để 6 bình ô xy để phục vụ cho phi công này trên hành trình bay kéo dài 15 tiếng.

Hoàn tất bồi thường cho dân Thủ Thiêm trong tháng 9

Sáng 9/7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 40 ngày 6/10/2019 của HĐND TP về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm.

UBND TP.HCM đã phê duyệt hệ số hoán đổi để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đơn giá đất tại các khu tái định cư, để tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết chi bằng tiền đối với khu đất 4,39 ha. Đồng thời, phê duyệt chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong phần diện tích 4,3 ha, theo NLĐO.

Về kế hoạch tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Liêm cho biết trong tháng 7/2020, UBND quận 2 sẽ hoàn thành việc tiếp xúc, vận động đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất; xử lý, hoàn tất hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong tháng 8/2020.

Đến tháng 9/2020, TP sẽ tổ chức bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.

COVID-19 lây lan chóng mặt tại Mỹ

Đầu tuần, số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng ở 39 bang của Mỹ và các chuyên gia y tế lo ngại rằng, các cuộc tiệc tùng ăn mừng Quốc khánh hôm 4/7 có thể khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4/7. Ảnh: TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4/7. Ảnh: TTXVN

15 bang ở Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong 4 ngày đầu tiên của tháng 7. Riêng bang Florida chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng lên 10.000 trong vòng 3 ngày liên tiếp, vượt quá tỷ lệ lây nhiễm mỗi ngày của bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong thời gian đỉnh điểm. Tỷ lệ lây nhiễm cũng gia tăng tại một số bang khác bao gồm Arizona, Florida, California và Texas, theo VOV.

Michigan yêu cầu đóng cửa khu vực ngồi trong nhà của các quán bar và nhà hàng tại một số khu vực. New York hoãn kế hoạch cho mở lại khu ăn uống trong nhà tại các nhà hàng  từ ngày 6/7.

Nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm tại một số bang ở Mỹ được cho là người dân đã quá chủ quan và không thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Ở Mỹ đang là thời điểm mùa Hè nên nhiều người đã ra ngoài mà không sử dụng khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội.

Mỹ chính thức cắt đứt mối quan hệ với WHO

Ngày 7/7, Thượng Nghị sĩ Robert Menendez thông báo Nhà Trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, theo TTXVN.

Biểu tượng của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Biểu tượng của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Trên tài khoản Twitter, Thượng Nghị sĩ Menendez cho biết quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6/7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp Quốc (LHQ).

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Mỹ có thể trục xuất sinh viên nước ngoài học online "toàn phần"

Ngày 8/7, nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ hoang mang sau khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sinh viên nước ngoài tại Mỹ sẽ phải về nước nếu chỉ tham gia các lớp học trực tuyến trong học kỳ mùa Thu. Những sinh viên này buộc phải chuyển sang học các trường có lớp học trực tiếp, hoặc phải rời khỏi Mỹ, nếu không họ có thể bị trục xuất.

Sinh viên tại Trường ĐH Khoa học và Nghệ thuật Boston (Mỹ). Ảnh: AP
Sinh viên tại Trường ĐH Khoa học và Nghệ thuật Boston (Mỹ). Ảnh: AP

Theo luật, du học sinh tại Mỹ sẽ chỉ được lấy tối đa 3 tín chỉ trực tuyến trong một học kỳ để có thể duy trì tình trạng di trú hợp pháp. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, hàng loạt trường đại học đã cho sinh viên học từ xa để tránh nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của ICE, trong học kỳ mùa Thu tới, việc học online toàn phần sẽ chấm dứt.

Hướng dẫn này không ảnh hưởng tới những sinh viên tới lớp học trực tiếp, hoặc có kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến (online). Các sinh viên trường nghề theo diện visa M-1, hoặc sinh viên có visa F-1 học chương trình tiếng Anh sẽ không được phép học trực tuyến.

Thông báo của ICE được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump thúc giục các tiểu bang mở cửa lại hệ thống trường học trong học kỳ mùa Thu tới, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương