Tiếp nhận tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” của Vua Hàm Nghi

Lê Quang Vinh

Ngày 12/11/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)”.

Tới dự buổi lễ có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Sofiane CHAIB - Đại sứ Algeria tại Việt Nam, đại diện ĐSQ Pháp tại Việt Nam, bà Thụy Khuê - nhà phê bình nghệ thuật người Pháp gốc Việt - người đã hiến tặng nhiều tranh của 2 họa sĩ Lê Thị Lựu và Lê Bá Đảng cho các bảo tàng ở Việt Nam, một số hậu duệ của Vua Hàm Nghi cùng đông đảo những người hoạt động nghệ thuật…

Tại lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi - một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ đa tài luôn nặng lòng hướng về quê hương, tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim” (Alger) đã được nữ TS. Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, hiện sống và làm việc tại Pháp, thay mặt gia đình Vua Hàm Nghi - hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây thực sự là món quà vô giá, một nghĩa cử cao đẹp dành cho bảo tàng, đồng thời là một hoạt động rất ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).  

Nghi thức tiếp nhận tranh của Vua Hàm Nghi hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nghi thức tiếp nhận tranh của Vua Hàm Nghi hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Vua Hàm Nghi (1871 - 1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là vị vua yêu nước của vương triều Nguyễn. Năm 1885, ông ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Năm 1888, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algeria. Cả cuộc đời sống lưu đày, không lúc nào Hàm Nghi không khao khát tự do và ông đã tìm ra sự tự do cho tâm hồn theo cách riêng của mình. Nghệ thuật, chính xác hơn là hội họa và điêu khắc, đã mở ra chân trời tự do đó cho ông.

Chân dung Hàm Nghi tự họa (chất liệu than chì, trên giấy, vẽ năm 1896).
Chân dung Hàm Nghi tự họa (chất liệu than chì, trên giấy, vẽ năm 1896).

Trong thời gian bị lưu đày, Vua Hàm Nghi đã được học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng, từ những bậc thầy như họa sĩ Marius Reynaud, nhà điêu khắc Léon Fourquet và Auguste Rodin. Ông học các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, phấn màu, nghệ thuật vẽ chân dung, nghiên cứu khỏa thân, phong cảnh, tĩnh vật, cảnh quan kiến trúc...

Hàm Nghi đã sáng tác nhiều tác phẩm với những tình cảm dành cho quê hương Việt Nam và ông đã trưng bày các tác phẩm của mình 3 lần ở Paris (Pháp): Năm 1904 tại Bảo tàng Guimet (10 tranh phấn màu), năm 1909 triển lãm (chung) tại Galerie Devambez (tranh vẽ), năm 1926 tại Phòng trưng bày Mantelet - Colette Weil (12 tranh phấn màu, 38 tranh sơn dầu, 8 tượng). Sau khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài nghệ thuật gồm 91 bức tranh và một số tác phẩm điêu khắc. Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

Tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” do Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, chất liệu sơn dầu trên toan, được ký với bút danh Tử Xuân.
Tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” do Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, chất liệu sơn dầu trên toan, được ký với bút danh Tử Xuân.

Bức tranh sơn dầu “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” do Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Alger. Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ 19, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động. Nhận xét về tranh phong cảnh của Vua Hàm Nghi, TS.Lịch sử nghệ thuật Nora A.Taylor đã viết:“Phong cảnh của Algeria trong tranh của Hàm Nghi được xem là sự kết nối đến nguồn cội với tư cách là một người đang khao khát trở về quê hương”. 

Năm 1926, bức tranh này đã được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris, và tác giả đã ký lên tranh với bút danh Tử Xuân. Tới tháng 11/2024, bức tranh chính thức được gia đình Vua Hàm Nghi lựa chọn để trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của vị Hoàng đế bị lưu đày, người Nghệ sĩ ở Alger ngay tại chính quê hương của ông.

Nữ TS. Amandine Dabat trao cho ông Nguyễn Anh Minh (GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) giấy chứng thực bản quyền tranh gốc của Vua Hàm Nghi hiến tặng bảo tàng.
Nữ TS. Amandine Dabat trao cho ông Nguyễn Anh Minh (GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) giấy chứng thực bản quyền tranh gốc của Vua Hàm Nghi hiến tặng bảo tàng.

“Việc tiếp nhận và trưng bày bức tranh có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và với nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhận nghĩa cử của gia đình Vua Hàm Nghi hồi hương tác phẩm hội họa của nhà vua yêu nước, đồng thời tôn vinh những tấm lòng hảo tâm hiến tặng tác phẩm nghệ thuật cho bảo tàng. Tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20” - ông Nguyễn Anh Minh (GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ.

Được biết, để tác phẩm của Vua Hàm Nghi hiện diện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, phát xuất từ nhiệt tình của nữ TS. Vũ Minh Hương - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, là người đã kết nối nữ TS. Amandine Dabat với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam tặng hoa và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho nữ TS. Amandine Dabat. 
Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam tặng hoa và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho nữ TS. Amandine Dabat. 

Theo nữ TS. Amandine Dabat: “Tranh [Hàm Nghi] cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, nội dung đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, nhưng kín đáo, trầm buồn, u uẩn bởi nghệ thuật là phương tiện để thể hiện lòng hoài nhớ quê hương. Ông sáng tác nhiều tranh sơn dầu, phấn màu, điêu khắc đồng, thạch cao. Nếu như phần lớn chủ đề tranh là phong cảnh, thì trong điêu khắc, nhà vua thể hiện những khuôn mặt phụ nữ hay con người qua những bức tượng bán thân. Ông luôn luôn như một nghệ sĩ phương Tây và một nghệ nhân Việt Nam”.

Nữ TS. Amandine Dabat giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật về tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” của Vua Hàm Nghi.
Nữ TS. Amandine Dabat giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật về tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Alger)” của Vua Hàm Nghi.

Những người quan tâm tới việc sáng tác mỹ thuật của Hàm Nghi cũng cho rằng, dù đã từng có thời gian chịu ảnh hưởng của Gauguin, Nabis, hay các khuynh hướng, trường phái nghệ thuật, nhưng quan điểm nghệ thuật của Vua Hàm Nghi có những nét rất riêng. Đối với Hàm Nghi, hội họa, nghệ thuật chính là khoảng trời tự do. Ông chủ yếu vẽ tranh phong cảnh, một vài tranh chân dung, một vài lính thủy, mà không vẽ chủ đề chính trị.

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, TS. Amandine Marie Anne Dabat, là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi - chắt gái của Công chúa Như Lý (con gái của Vua Hàm Nghi). Bà là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (tại Paris) với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”.

Nữ TS. Amandine Dabat chia sẻ thông tin về quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu và làm sách“Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”.
Nữ TS. Amandine Dabat chia sẻ thông tin về quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu và làm sách“Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”.

Công trình nghiên cứu nói trên được thực hiện trong suốt 5 năm với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố. Sự kết hợp giữa góc nhìn chính trị của người Pháp với góc nhìn riêng tư có tính chất thân phận của cựu vương về chính cuộc đời ông, những năm tháng lưu vong ở Alger và các tác phẩm nghệ thuật của ông được phân tích và nghiên cứu kỹ càng.

Đây cũng là nội dung chính của cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” do chính TS. Amandine Dabat biên soạn. Với phần chủ trì dịch thuật của dịch giả Nguyễn Thị Hiệp, cuốn sách được NXB Khoa học xã hội ấn hành, với sự phối hợp thực hiện của Viện Bảo tồn và Phát triển Văn hóa truyền thông (IPDTC) và ART30 Gallery, đã ra mắt bạn đọc Việt Nam. 

Đây thực sự là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài hoa trong thời gian ông sống lưu vong tại Pháp và Algeria. Trong cuốn sách này, một phần lớn các bức thư từ trao đổi cá nhân của Vua Hàm Nghi cũng được công bố.

Ấn phẩm “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” đã chính thức có phiên bản tiếng Việt.
Ấn phẩm “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” đã chính thức có phiên bản tiếng Việt.

Nora A.Taylor (Học viện Nghệ thuật Chicago) đã bình luận về ấn phẩm:“Với công trình này, Amandine Dabat mang đến cho các sử gia mỹ thuật một cơ hội hiếm hoi để khám phá một cuộc đời đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, thông qua việc thu thập và khảo cứu các tài liệu cá nhân, tài liệu lưu trữ về nhân vật này… Nếu coi Hàm Nghi là một họa sĩ, thì có nghĩa là lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam hiện đại xuất hiện không chỉ trong phạm vi thuộc địa như thường được phân tích, mà còn trong bối cảnh chống thực dân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc nhìn nhận lại vị trí của Hàm Nghi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ mở ra những định hướng tìm hiểu mới, và việc định hình nghệ thuật Việt Nam hiện đại cũng có thể được đánh giá lại".