Hà Nội, trái tim của đất nước, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi và tinh hoa văn hóa ngàn năm, vừa long trọng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024). 70 năm - một chặng đường lịch sử vẻ vang, đủ dài để nhìn lại và thêm tự hào về những chiến công oanh liệt, những đổi thay kỳ diệu của Thủ đô yêu dấu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới dự và đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy |
Trong không khí thiêng liêng của ngày lễ trọng đại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài diễn văn xúc động, khẳng định giá trị lịch sử to lớn của sự kiện giải phóng Thủ đô, đồng thời chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng để Hà Nội xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước trong thời kỳ mới.
Từ chiến thắng lịch sử đến bản hùng ca thời đại
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào - Ảnh: VGP/Gia Huy |
Ngày 10/10/1954, Hà Nội vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Đoàn quân giải phóng tiến vào Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Hình ảnh rừng cờ hoa rực rỡ, tiếng reo hò vang dậy, những nụ cười rạng rỡ trên môi... tất cả hòa quyện thành bản hùng ca bất diệt, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Hà Nội đã kiên cường trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, chống lại kẻ thù xâm lược. Thủ đô là "đầu tàu gương mẫu", vừa chiến đấu anh dũng, vừa hăng say lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" đã trở thành biểu tượng sáng ngời của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - Ảnh: VGP/Gia Huy |
Hòa bình lập lại, Hà Nội bước vào giai đoạn phát triển mới với những thành tựu đáng tự hào. Từ một thành phố bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị hiện đại, năng động, là niềm kiêu hãnh của cả nước.
Những con đường rộng thênh thang, những tòa nhà cao tầng san sát, những công viên xanh mát, những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng... đã thay thế cho những khu phố đổ nát, hoang tàn. Hà Nội hôm nay không chỉ đẹp về kiến trúc, hiện đại về hạ tầng mà còn giàu bản sắc văn hóa, đậm đà hồn cốt dân tộc.
Nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị cao đẹp
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước mà còn là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Danh hiệu cao quý này được bạn bè quốc tế trao tặng, ghi nhận những đóng góp của Hà Nội trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội.
Hà Nội cũng là thành phố duy nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình" và là "Thành phố sáng tạo". Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng một môi trường sống hòa bình, ổn định và phát triển.
Thủ đô ngàn năm văn hiến tự hào với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Từ những công trình kiến trúc cổ kính đến những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tất cả đều góp phần tạo nên bản sắc riêng độc đáo của Hà Nội.
Trong diễn văn của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng con người Hà Nội "hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh", xứng đáng là đại diện cho văn hóa và phẩm giá con người Việt Nam.
Không khí hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô được tái hiện bằng nhiều hình thức trên không gian phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Hoàng Toàn |
Hà Nội cần tập trung phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần.
Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội sẽ tiếp tục vươn mình tỏa sáng, xứng đáng là trái tim của cả nước, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một nữ kiến trúc sư đau đáu tình yêu với Hà Nội, với cầu Long Biên
Đó là Nguyễn Nga - người đã 35 năm sống tại Pháp. Chiều 4/10/2024, tại Hà Nội, bà đã ra mắt sách “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại”