TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 15/9

TP.HCM sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, giảm nhanh số ca tử vong.

Theo đó, từ 6h đến 18h hàng ngày, thành phố tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của các nhóm được phép hoạt động theo Công văn 2468, 2522 và 2523.

Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động: Cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); tổ chức hành nghề công chứng; công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện hoạt động liên quan đến giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.

Thành phố cho phép thêm một số nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, gồm: Đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Tất cả đối tượng trên phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường.

Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị (trừ lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số). Riêng các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TP.HCM quyết định.

Sáng cùng ngày, phát biểu tại lễ phát động "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và ra mắt trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch COVID-19" sáng 15/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nói, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Riêng đối với TP.HCM, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp; số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ.

Ông Mãi cũng cho hay một hạn chế khác được nhận diện là quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời, tỷ lệ tử vong chưa giảm.

Mặc dù chúng ta đã có những nghĩa cử an ủi phần nào những người đã mất nhưng đó cũng là điều đáng buồn. Hiện nay, nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu chúng ta mất cảnh giác.

pho-bi-thu-mai-09304827.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi. 

Theo ông Mãi, kinh nghiệm quốc tế, việc sống chung với dịch chỉ khi không còn ca nhiễm cộng đồng hoặc còn rất ít với độ bao phủ vắc xin ít nhất trên 80% dân số.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra là vô cùng nặng nề, đầy thách thức và đây cũng là mong muốn chung của người dân.

Các tỉnh xung quanh thành phố có số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày gần đây. Tại TP.HCM, số ca nhiễm vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải, công tác tiếp nhận điều trị có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp, tỉ lệ tử vong chưa giảm.

"Hiện nay, nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan", ông Mãi nói.

gian-cach-1-.jpg
TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách.

Theo ông Mãi, TP.HCM sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong.

“Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”, ông Mãi nói.

Như vậy, TP.HCM liên tục giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau từ 31.5 đến nay; nếu kéo dài đến 15.9 thì người dân thành phố trải qua 3 tháng rưỡi giãn cách xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM tiếp tục huy động sự đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của người dân trong phòng, chống dịch; tuân thủ giãn cách xã hội, nguyên tắc 5K của Bộ Y tế…

Lãnh đạo TP.HCM sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi thành phố chuyển sang bình thường.

N.C