Vì sao tỷ phú Elon Musk thành công ở Trung Quốc?

NHẬT SANG

Thành công chưa từng có của Tesla tại Trung Quốc đã giúp Elon Musk thành người giàu nhất thế giới. Nhưng, liệu thời gian tốt này có thể kéo dài bao lâu?

Những đãi ngộ chưa từng có

Ngày 10/2 năm ngoái, khi các nhà chức trách Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế nhằm ngăn chặn COVID-19 ở một số nơi, phần lớn các khu vực của đại lục vẫn chưa hoạt động bình thường ngay được. Giao thông vẫn bị gián đoạn và nhiều công nhân bị mắc kẹt ở các tỉnh.

Nhưng không khí tại nhà máy sản xuất Gigafactory Thượng Hải của Tesla lại rất nhộn nhịp. Hàng nghìn lao động đã trở lại dây chuyền lắp ráp, nhiều người trong số họ được ở trong các ký túc xá và đi xe buýt do chính phủ bảo đảm, để hạn chế tiếp xúc với cộng đồng.

Không giống như nhiều doanh nghiệp khác, Tesla được phân bổ các lô hàng, vật dụng phòng dịch COVID-19 rất phong phú. Công nhân được đảm bảo đầy đủ khẩu trang N95. Nhà máy cũng được làm sạch bằng hoạt chất khử trùng đặc biệt cần có giấy phép của cơ quản lý thì mới có thể mua được.

Gigafactory ở Thượng Hải của Tesla. Ảnh: Getty
Gigafactory ở Thượng Hải của Tesla. Ảnh: Getty

Tại thời điểm đó, Toyota Motor Corp, Volkswagen và các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi tiếp tục sản xuất, Tesla Thượng Hải đã sản xuất được khoảng 1.000 xe. Đến tháng 3/2020, con số này lên đến 3.000 xe/tuần, cao hơn so với trước khi đóng cửa.

Theo nguồn tin của Bloomberg, vào khoảng thời gian đó, Tesla không chỉ được chính phủ Trung Quốc "bật đèn xanh" để quay trở lại làm việc, mà còn có "cảnh sát hú còi hộ tống".

Việc Tesla nhanh chóng trở lại bình thường là phù hợp với mối quan hệ mà nhà sản xuất xe điện có được với nhà nước Trung Quốc kể từ năm 2018, khi họ công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thượng Hải. 

Tesla thuận lợi có các đặc quyền mà những công ty quốc tế khác phải vật lộn mới có được, bao gồm giảm thuế, cho vay giá rẻ, quyền sở hữu hoàn toàn các hoạt động trong nước của mình và hỗ trợ xây dựng một cơ sở rộng lớn với tốc độ đáng kinh ngạc. 

Sự hỗ trợ từ chính phủ đã giúp Tesla biến Trung Quốc thành thị trường quan trọng nhất bên ngoài Hoa Kỳ. Theo đó, Model 3 hiện nằm trong số những chiếc xe điện bán chạy nhất ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong báo cáo thu nhập gần đây nhất của Tesla, Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh thu của công ty.

Vị trí khó xử

Khi sự hiện diện của Tesla ngày càng tăng, một câu hỏi được đặt ra là, liệu Musk có trở thành nhà tư bản nước ngoài yêu thích của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không. Mặc dù Musk đã nhận được nhiều đặc quyền từ Trung Quốc nhưng đây là một vị trí khó xử.

Căng thẳng Mỹ-Trung đã hình thành từ nhiều năm trước, và xu hướng càng được Tổng thống Trump tăng cường trong thời gian nắm quyền. Động thái này được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden, khi tổng thống đắc cử ngày càng hoài nghi Trung Quốc.

Những chiếc Model 3 do Trung Quốc sản xuất trong một sự kiện giao hàng tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Những chiếc Model 3 do Trung Quốc sản xuất trong một sự kiện giao hàng tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cho đến nay, các giao dịch của Musk ở Trung Quốc hầu như không làm suy yếu vị thế của ông ở quê nhà. Musk được nhiều người theo chủ nghĩa tự do yêu quý vì các thông tin về môi trường, được những người ủng hộ Trump ca ngợi vì nỗ lực khôi phục sản xuất của Hoa Kỳ. Và, thông qua SpaceX, ông trở nên nổi tiếng ở cả Washington và Bắc Kinh.

Nhưng khi quan hệ giữa hai nước xấu đi và Trung Quốc ngày càng độc tài, tìm cách giành lấy vị trí dẫn đầu toàn cầu trong các công nghệ quan trọng, như xe điện và trí tuệ nhân tạo, không rõ Musk sẽ có thể vượt qua ranh giới địa chính trị này hay không.

Các chính trị gia Mỹ có thể quyết định rằng, họ không muốn một trong những công ty công nghiệp hàng đầu của đất nước chia sẻ kiến ​​thức với đối thủ chiến lược. Trong khi đó, chiến lược kinh tế của ông Tập luôn là “các công ty nước ngoài sẽ có những cơ hội khá tốt, nhưng họ phải hiểu kế hoạch cuối cùng là tất cả các công nghệ tiên tiến phải là của Trung Quốc”, James McGregor, Chủ tịch Greater China, cho biết.

Giành quyền kiểm soát hoạt động tại địa phương

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới, với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ, khoảng 1,2 triệu chiếc được bán ra vào năm 2020, chiếm hơn 40% tổng số toàn cầu. Ở một mức độ lớn, sự phổ biến của Tesla được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ Trung Quốc. 

Định hướng của Tesla sang Trung Quốc bắt đầu thay đổi vào năm 2017. Tháng 3/2017, Tencent Holdings, một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu có quan hệ mật thiết với nhà nước Trung Quốc, đã mua 5% cổ phần của Tesla. Khi đó, Musk đã tuyên bố trên Twitter rằng, họ sẽ là “một nhà đầu tư và cố vấn”. 

Musk không nói rõ Tencent sẽ tư vấn gì, nhưng thỏa thuận này dường như cho thấy một sự thúc đẩy vào Trung Quốc. Trong các thảo luận với các chủ nhà tiềm năng Trung Quốc, Tesla đã có một yêu cầu không thể thương lượng, là kiểm soát 100% các hoạt động tại địa phương, để bảo vệ IP của mình.

Đây là một yêu cầu rất lớn. Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã cấm các công ty ô tô nước ngoài thành lập các đơn vị sở hữu hoàn toàn. Thay vào đó, họ phải liên doanh 50-50 với các đơn vị Trung Quốc, chia sẻ doanh thu, công nghệ và chuyên môn với các công ty có thể sử dụng những tài sản đó để phát triển các sản phẩm cạnh tranh. 

Musk chào chủ xe Model 3 ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Musk chào chủ xe Model 3 ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Musk đã đạt được thỏa thuận một cách may mắn. Thời điểm đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Trump đã đe dọa áp thuế trên diện rộng. Các công ty Mỹ thì phải đối mặt với môi trường thù địch tại Trung Quốc, bao gồm cả việc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của họ trên mạng xã hội.

Sau đó, Tesla đã bắt đầu cuộc "đại tu" hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Trước đây, Tesla Trung Quốc là một phần của đơn vị hoạt động cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Giờ đây, nó sẽ là một bộ phận độc lập báo cáo trực tiếp với trụ sở chính của Mỹ. 

Tom Zhu, một CEO sinh ra ở Trung Quốc, người đã giám sát việc xây dựng ở Thượng Hải, được giao phụ trách kế hoạch này. Ông đặt mục tiêu làm cho đơn vị tự chủ hơn và khác biệt với phần còn lại của Tesla. Ngay sau khi tiếp quản, ông Zhu đã yêu cầu nhân viên bắt đầu viết email bằng tiếng Trung bất cứ khi nào có thể, theo các nhân viên của Tesla tiết lộ. 

Hiện tại, thị trường Trung Quốc đã trở nên quan trọng đối với hoạt động kinh doanh chung của Tesla. Công ty gần đây đã thay đổi cách báo cáo số liệu tài chính, để biến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất, ngoài Mỹ, có doanh thu hàng quý. Nó đã tăng từ 669 triệu USD trong quý III/2019 lên 1,74 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc đang mưu tính gì sau kế hoạch hậu thuẫn cho Tesla?

Khi đó, một câu hỏi dấy lên, Trung Quốc sẽ đạt được gì sau những hậu thuẫn cho Tesla. Đối với nhiều chuyên gia ô tô, động cơ chính của quốc gia này rất rõ ràng. Đó là nâng cấp khả năng của ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc, bằng cách buộc các đối thủ và nhà cung cấp của Tesla phải cải thiện cuộc chơi của họ.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế nghiên cứu nền kinh tế Trung Quốc, cho biết: “Sự hiện diện của Tesla nhằm giúp phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng. Trường hợp này cũng từng xảy ra trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Hầu hết iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc, và mặc cho Apple tạo ra lợi nhuận đáng kể trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, lĩnh vực này vẫn bị chi phối bởi các công ty địa phương như Huawei, Oppo và Vivo". 

Kennedy nói: “Một mặt, bạn có quyền truy cập vào chuỗi cung ứng sản xuất cực kỳ hiệu quả này, và một thị trường rộng lớn. Mặt khác, bạn đang đứng cạnh các đối thủ cạnh tranh có thể khiến bạn bị loại khỏi lĩnh vực kinh doanh của mình".

Một buổi lễ kỷ niệm chuyến hàng Model 3 do Trung Quốc sản xuất đến châu Âu. Ảnh: Getty
Một buổi lễ kỷ niệm chuyến hàng Model 3 do Trung Quốc sản xuất đến châu Âu. Ảnh: Getty

Tại thời điểm này, việc ngừng kinh doanh gần như là một khả năng xa vời đối với Tesla cũng như đối với Apple, nhưng đã có bằng chứng cho thấy, mặc dù thành công sớm, nhà sản xuất ô tô có thể không đạt được kỳ vọng như mong đợi. 

Họ đã nhiều lần giảm giá những chiếc Model 3 do Thượng Hải sản xuất, để điều chỉnh chúng chặt chẽ hơn với sự cạnh tranh trong nước. Họ cũng xuất khẩu Model 3 từ nhà máy ở Thượng Hải sang Châu Âu, một dấu hiệu cho thấy thị trường Trung Quốc không tận dụng hết sản lượng. 

Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện trong nước đang đầu tư mạnh vào các sản phẩm đẹp hơn và công nghệ phức tạp hơn. Một trong những công ty nổi bật nhất, XPeng Inc, đã huy động được 1,5 tỷ USD trong một khoản đầu tư ban đầu ở New York hồi năm ngoái. Và một người khác, Nio Inc, bây giờ là đối thủ cạnh tranh "nặng ký" hơn so với General Motors.

Thách thức trước mắt đối với hoạt động kinh doanh của Tesla ở Trung Quốc có thể đến từ Washington. Hiện tại, các hạn chế của Mỹ có xu hướng tập trung vào các công nghệ như chất bán dẫn hơn là ô tô. Tuy nhiên, khi ô tô phát triển và trở thành nền tảng cho các công nghệ cảm biến tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, thì không khó để tưởng tượng rằng, các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ có các hạn chế vào lĩnh vực này.

Nếu điều này xảy ra thì các hoạt động chặt chẽ của Tesla tại thị trường Trung Quốc sẽ không giúp ích được gì cho công ty. Trong khi đó, các "cựu chiến binh" của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc rất ấn tượng với cách Musk điều hành hệ thống công ty tại đại lục một cách khéo léo.

Họ nhận thấy rằng, Musk đã làm được nhiều điều mà các công ty hàng đầu thế giới như Volkswagen và Toyota phải vật lộn trong nhiều thập kỷ mới đạt được.

Tuy nhiên, lời khen ngợi này không đơn giản như vậy. Bill Russo, CEO của Automobility, một nhà tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói: “Elon đã chơi trò chơi rất tốt. Nhưng Tesla có được điều này bởi vì nó đang có lợi cho Trung Quốc”.