Được biết, sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7/2021, mới đây các ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, lĩnh vực BĐS, chứng khoán “không được nhắc tên”.
Dịch bệnh kéo dài lần này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp BĐS gây ra giảm sút nghiêm trọng về doanh thu và dòng tiền của các doanh nghiệp này dẫn đến việc không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn.
Tuy nhiên, lần này cũng như đợt giảm lãi suất tháng 7/2021, ngân hàng lưu ý: Việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Như vậy có thể thấy, các ngân hàng vẫn chưa "rộng cửa" với lĩnh vực BĐS nói chung. Với thông tin giảm lãi suất như trên thì không áp dụng với việc cá nhân, tổ chức vay kinh doanh BĐS (như mua đất, mua nhà, mua đi bán lại…), chỉ áp dụng với doanh nghiệp BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Tuy nhiên, được hiểu, chỉ các doanh nghiệp BĐS chịu ảnh hưởng bởi dịch chứ không phải tất cả. Theo đó, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng không biết mình có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi về lãi suất đợt này của ngân hàng hay không.
Theo đó, việc các ngân hàng đồng loạt áp dụng gói lãi suất ưu đãi cho hàng loạt các ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid là giải pháp cấp thiết và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất loại trừ các khoản vay chứng khoán, BĐS và chứng từ có giá là chưa công bằng. Các khoản vay BĐS chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng và mang lại phần lợi nhuận khá lớn cho ngân hàng trong suốt thời gian vừa qua.
BĐS cũng là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy không có lý do gì mà lại các khoản vay BĐS nằm ngoài danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất vừa được công bố của các nhân hàng.
Đợt hỗ trợ lần này tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chẳng hạn như Vietinbank, bên cạnh giảm lãi suất cho vay còn triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Còn Vietcombank giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Tp.HCM và tỉnh Bình Dương. Giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Ngân hàng Nhà nước cũng quản dòng vốn vào bất động sản, đảm bảo phục vụ thực sự nhu cầu của người dân. Ngân hàng nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng. Ghi nhận cho thấy, trong khi thời gian qua, lĩnh vực BĐS đang gặp nhiều khó khăn. Chưa kịp phục hồi từ các đợt dịch trước, "làn sóng" Covid-19 thứ 4 lại tiếp tục đẩy các doanh nghiệp bất động sản vào tình trạng khó chồng khó khi vừa phải duy trì hoạt động vừa phải xoay sở để trả đủ lãi suất cam kết cho khách hàng góp vốn.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 3029/NHNN-TTGSNH chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản. Chịu tác động kép, nhiều doanh nghiệp không còn đủ vốn để duy trì hoạt động, chưa kể đến phát triển dự án mới. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động, tăng hơn 35,2% và có 345 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các doanh nghiệp, thị trường BĐS đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tp HCM đã bước sang tháng thứ 3 làm doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.
Nhật Hạ