Trong 15 trở lại đây, trao đổi thương mại giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển vượt bậc, một số quốc gia thành viên ASEAN đã trở thành bạn hàng quan trọng của Mercosur và Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Đây là lời khẳng định của ông Ezequiel Ramoneda, Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA), Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia La Plata Argentina (UNLP).
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ông Ramoneda nhấn mạnh trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng không chỉ đối với Argentina, mà còn đối với toàn bộ khối Mercosur.
Kết quả này có được là nhờ sự năng động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như những nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu của Mercosur và Argentina.
Đề cập tới triển vọng hợp tác trong tương lai, ông Ramoneda, thành viên Phòng Thương mại Mercosur-ASEAN (MACC), cho rằng với vị trí địa lý quan trọng ở khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng của Argentina và các quốc gia thành viên Mercosur - bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Uruguay - để đi vào thị trường các nước Đông Nam Á.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Mercosur nói chung và Argentina nói riêng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, song còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất nhập khẩu.
Mercosur cũng cần có thêm thông tin về các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là tiềm năng công nghiệp, ngoài thế mạnh về nông nghiệp.
Trong quan hệ chính trị, ông Ramoneda nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với các nước Mercosur.
Năm 2023, Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Argentina và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Uruguay, được ghi dấu đậm nét bằng chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 2 quốc gia Nam Mỹ.
Năm nay, Việt Nam và Brazil đang tiến tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 17 năm quan hệ Đối tác toàn diện.
Ông Ramoneda, đồng thời là Phó Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam, khẳng định: "Chúng ta đang ở trong thời điểm đối thoại chính trị tối ưu, cùng với quan hệ thương mại hiệu quả, do đó, cần tăng cường mối liên kết giữa Việt Nam và Mercosur cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Mercosur và ASEAN."
Liên quan các sáng kiến trong Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), ông Ramoneda đánh giá cao đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập hệ thống thành phố văn hóa và kêu gọi thúc đẩy hoạt động của tổ chức này sau đại dịch COVID-19.
Về quan hệ văn hóa giữa Argentina và Việt Nam, ông Ramonda nhấn mạnh Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam ra đời gần 30 năm nay đã có nhiều đóng góp thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm thành lập Hội hữu nghị Argentina-Việt Nam trong tương lai.
Ông Ramonda cũng xác nhận MACC đang lên kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp tới thăm Việt Nam vào nửa cuối năm nay nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Argentina trong năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Argentina, trong khi Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh.
(Nguồn: TTXVN)