Bộ Công an đề xuất phạt người không tham gia chữa cháy đến 5 triệu đồng

Cơ quan soạn thảo đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). 

Đáng chú ý, tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nâng mức phạt tiền lên nhiều lần đối với một số vi phạm về PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực PCCC và CNCH, đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Đối với xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định 2 hình thức là phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo.

Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm.

Nghị định này còn đề xuất các biện pháp khắc phục khác như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc niêm yết biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đúng quy định; buộc lắp đặt, duy trì thiết bị điện là loại phòng nổ; hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy; thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện theo quy định; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, đường thoát nạn...

Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.

Bộ Công an đề xuất phạt hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà lên tới 40 - 50 triệu đồng.

Mức phạt trên cũng áp dụng cho hành vi sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, còn hành vi tàng trữ bị đề xuất phạt 25 - 30 triệu đồng.

Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm được đề xuất phạt 40 - 50 triệu đồng, thay vì 30 - 40 triệu đồng như mức hiện hành.

Hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy được đề xuất nâng tiền phạt từ 2 - 5 triệu đồng (mức hiện hành) lên 6 - 8 triệu đồng.

Hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ PCCC được đề xuất phạt 10 - 15 triệu đồng, thay cho mức 5 - 10 triệu đồng như hiện hành.

Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được đề xuất cho lỗi không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, CNCH; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, CNCH; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, dự thảo đề xuất mức 15 - 25 triệu đồng với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng). Mức phạt tăng lên 30 - 40 triệu đồng với hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng).

Riêng với hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả, Bộ Công an đề xuất mức phạt 5 - 10 triệu đồng. Lỗi này đang áp dụng theo quy định hiện hành là 4 - 6 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức 8 - 12 triệu đồng.

T.M

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình dự Luật Phòng cháy, chữa cháy

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình dự Luật Phòng cháy, chữa cháy

Sáng 19/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an, trình Quốc hội tờ trình Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.