Trong xã hội hiện đại, hình ảnh người phụ nữ không chỉ dừng ở việc chăm sóc gia đình mà còn vươn xa ra ngoài xã hội, khẳng định vị trí của mình trong nhiều lĩnh vực. Họ là những nhà khoa học tài năng, những doanh nhân thành đạt, những nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi, và còn nhiều hơn thế nữa. Nhân dịp Xuân Ất Ty, Phụ nữ Mới gặp gỡ trao đổi với 3 nữ trí thức xoay quanh chủ đề “Những người phụ nữ không sợ áp lực”.
P.V: Vừa đảm đương vai trò là nhà quản lý, nhà khoa học với khối lượng lớn công việc, vừa cân bằng cuộc sống gia đình, các chị có thấy áp lực?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường (nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang): Thời đi học, từ phổ thông cho đến đại học, tôi luôn là cán bộ lớp, ở vị trí lãnh đạo, nên việc làm quen với áp lực và phải vượt qua nó không phải điều gì quá lớn với tôi. Sau này đi làm, ở vị trí công tác nào tôi cũng chủ động, tích cực, nỗ lực sáng tạo với mục đích đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển của đơn vị mình công tác. Quen rồi.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường (ngoài cùng bên trái) tại triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị APNN 2024. |
TS Bá Thị Châm (Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Do được làm nghề mình yêu thích nên tôi không cảm thấy áp lực nhiều. Công việc nghiên cứu bận rộn, thời gian đi thực địa cũng chiếm nhiều thời gian, sức lực… nhưng tôi vẫn thích làm công việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Tôi phải tự sắp xếp thời gian hợp lý để có thể được làm những việc này như một sự xả stress, những “quãng nghỉ” trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình. Tôi có phòng thí nghiệm tại nhà và xưởng sản xuất cũng gần nhà nên việc tiết kiệm thời gian hay kết hợp công việc sẽ thuận lợi và không mất thời gian di chuyển.
TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên (Trưởng nhóm nghiên cứu về nhiên liệu và xúc tác nhiên liệu tại Công ty TNHH Naolab Nhật Bản): Tôi là phụ nữ Việt Nam sống tại Nhật, lại làm việc về khoa học kỹ thuật nên cũng có những khó khăn riêng. Công việc nghiên cứu đôi khi rất bận rộn và có những thí nghiệm lặp đi lặp lại mất khá nhiều thời gian, nhất là khi kết quả không như mong muốn. Tôi học được rằng, việc dừng lại một chút, chậm lại nhịp độ và thảo luận với đồng nghiệp là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề. Nếu giải pháp đó bản thân chúng ta không giải quyết được thì trao đổi, thảo luận, bàn bạc cùng nhóm làm việc chính là phương pháp giúp tôi có thể vượt qua các trở ngại và giới hạn học thuật của bản thân để tiến bộ và thành công từng ngày.
Theo các chị, đâu là những yếu tố quan trọng giúp phụ nữ có thể vừa thành công trong sự nghiệp, vừa có một gia đình hạnh phúc?
TS Bá Thị Châm tại Hội nghị APNN 2024 |
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường: Tôi luôn coi việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình là một nghệ thuật. Để làm được điều đó, tôi đã xây dựng cho mình một “lộ trình” rõ ràng với những cột mốc cụ thể. Mỗi ngày, mỗi tháng, thậm chí là từng giai đoạn, tôi đều có những kế hoạch chi tiết. Điều này giúp tôi ưu tiên những việc quan trọng nhất, đảm bảo mọi thứ đều được hoàn thành đúng tiến độ. Thú vị hơn, tôi nhận ra rằng thành công của tôi không chỉ đến từ sự nỗ lực cá nhân mà còn nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi có một hậu phương vững chắc. Chính gia đình đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, tạo điều kiện để tôi theo đuổi đam mê.
TS Bá Thị Châm: Việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình không chỉ đơn thuần là một bài toán khó, mà còn là một hành trình khám phá và trải nghiệm thú vị. Tôi có công việc mà tôi yêu thích, đó là nghiên cứu và phát triển dược liệu. Những chuyến đi thực tế đến các vùng nguyên liệu không chỉ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ công việc mà còn là cơ hội tuyệt vời để cả gia đình cùng khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và gắn kết tình cảm. Việc đưa cả chồng và con đi cùng những chuyến đi như vậy không chỉ giúp tôi cân bằng công việc và gia đình mà còn tạo ra những kỷ niệm đẹp cho cả nhà. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng để đạt được sự cân bằng này, sự hỗ trợ của gia đình là vô cùng quan trọng.
TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên |
TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên: Cũng như PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường, trong cuộc sống hàng ngày của tôi, việc lên kế hoạch rõ ràng giúp tôi sắp xếp công việc một cách hiệu quả. Tôi dành thời gian để lập danh sách những việc cần làm, ưu tiên những việc quan trọng và sắp xếp thời gian hợp lý cho từng công việc. Điều này giúp tôi tránh cảm giác bị quá tải và hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Về cuộc sống gia đình, tôi và chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà. Chúng tôi thảo luận và thống nhất rằng công việc nhà là việc chung của cả hai, khi một trong hai người có thời gian thì làm việc nhà. Cả hai đều còn trẻ nên dành thời gian phát triển bản thân và sự nghiệp, đồng thời hỗ trợ để cùng nhau tiến lên.
Trong quá trình làm việc, các chị đã từng đối mặt với những định kiến giới nào? Và các chị đã vượt qua những định kiến đó như thế nào để khẳng định bản thân?
TS Bá Thị Châm: Xã hội ngày nay đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ để khẳng định bản thân. Trong gia đình tôi, chúng tôi luôn tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Tôi rất may mắn khi có một người chồng luôn đồng hành và chia sẻ cùng tôi những khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, cả tôi và chồng đều có cơ hội được trải nghiệm công việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, do đặc thù công việc hiện tại, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, mỗi người một vai trò phù hợp với sở trường và đam mê. Tôi tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, trong khi chồng tôi đảm nhận phần quản lý vùng nguyên liệu trồng, thu hái, sơ chế, bào chế. Điều này không chỉ giúp chúng tôi cân bằng cuộc sống mà còn tạo ra một mô hình gia đình hiện đại, nơi cả hai vợ chồng đều được tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp.
TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên: Trong ngành khoa học kỹ thuật, nam giới thường chiếm đa số. Bản thân tôi từng đối mặt với quan điểm cho rằng phụ nữ không đủ năng lực hay sức mạnh để làm các công việc liên quan đến kỹ thuật, điều khiển máy móc hoặc nghiên cứu về nhiên liệu. Sau khi kết hôn, tôi được cho rằng sẽ sớm mang thai, sinh con, tạm nghỉ công việc để chăm sóc gia đình.
Trong môi trường làm việc ở Nhật, phụ nữ thường nghỉ thai sản và chăm con trong từ 1 đến 3 năm, nên đồng nghiệp và đối tác đã hạn chế giao cho tôi các nhiệm vụ quan trọng. Họ thậm chí dò xét, trực tiếp hoặc gián tiếp, để kiểm tra liệu tôi còn có thể toàn tâm toàn ý cho công việc như trước không. Tuy vậy, tôi hoàn toàn hiểu được quan điểm của họ, bởi trong công việc, hiệu suất và chất lượng luôn là yếu tố hàng đầu. Điều quan trọng là tôi vẫn giữ vững giá trị của mình và dùng hành động để chứng minh năng lực.
Về dự định trong năm mới, chắc PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường và TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên đang có những ấp ủ muốn chia sẻ?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thúy Hường: Vâng. Năm 2025, tôi đặt ra cho mình những mục tiêu khá toàn diện, bao gồm cả sự nghiệp, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Với vai trò là người đứng đầu của các tổ chức hội, tôi sẽ tập trung vào việc phát triển và mở rộng quy mô của các tổ chức này. Tôi muốn tạo ra nhiều hơn nữa các hoạt động có ý nghĩa, giúp đỡ cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Tôi cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn để chăm lo cho con cháu. Tôi sẽ hỗ trợ các em trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp và phát triển toàn diện. Tôi tin rằng, việc đầu tư vào thế hệ trẻ là một trong những việc làm ý nghĩa nhất.
TS Nguyễn Huỳnh Phương Uyên: Là một nhà khoa học, tôi luôn tâm niệm rằng kiến thức không chỉ dừng lại ở những trang sách mà còn phải được ứng dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì vậy, trong năm 2025, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các nghiên cứu mà mình đang thực hiện. Năm 2025, tôi dự định sẽ mua một căn nhà nhỏ tại Nhật Bản để có một tổ ấm ổn định hơn. Tôi cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn để về thăm quê hương, chăm sóc cha mẹ. Sự xa cách địa lý khiến tôi luôn trăn trở và mong muốn được gần gũi gia đình hơn. Những giây phút đoàn tụ bên gia đình sẽ mang lại cho tôi nhiều niềm vui và động lực để tiếp tục phấn đấu. Việc trở thành một người mẹ là ước mơ của tôi từ lâu. Tôi muốn được trải nghiệm niềm hạnh phúc khi chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Thưa TS Bá Thị Châm, chúng ta đều biết rằng truyền thống gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con đường sự nghiệp của chị. Việc thường xuyên đưa con theo trong các chuyến đi thực địa nghiên cứu dược liệu đã tạo nên những kỷ niệm đẹp và chắc hẳn đã truyền cảm hứng rất lớn cho các con. Chị có thể chia sẻ thêm về những khoảnh khắc đó và liệu chị có mong muốn các con sẽ tiếp nối con đường nghiên cứu của mình không?
TS Bá Thị Châm (áo xanh) giới thiệu sản phẩm được thương mại từ kết quả nghiên cứu của mình. |
TS Bá Thị Châm: Truyền thống gia đình tôi gắn liền với tình yêu thiên nhiên và sự khám phá khoa học. Ngay từ nhỏ, tôi đã được mẹ truyền cảm hứng về thế giới thực vật, đặc biệt là các loại thảo dược quý hiếm của Việt Nam. Chính điều đó đã thôi thúc tôi theo đuổi ngành hóa sinh để có thể nghiên cứu sâu hơn về các loài cây này. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm nghiên cứu, tôi nhận ra rằng con đường phía trước còn rất dài. Vẫn còn rất nhiều loài thảo dược chưa được khám phá hết, chưa được ứng dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả. Vì vậy, tôi mong muốn con cái mình sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, lựa chọn những ngành học có liên quan đến khoa học tự nhiên để cùng nhau khám phá và khai thác tiềm năng của các loại thảo dược Việt Nam. Nhưng tôi cũng xác định, việc lựa chọn ngành học là quyền tự do của mỗi người. Các con tôi có thể chọn bất kỳ ngành nào mà các con yêu thích. Quan trọng là các con luôn giữ trong lòng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.
Cảm ơn các chị về cuộc trao đổi!
TS Bá Thị Châm: Bảo tồn và nâng tầm cây thuốc bản địa ở Việt Nam
TS Bá Thị Châm luôn hướng mục tiêu nghiên cứu của mình đến các loại cây thuốc bản địa Việt Nam.