Chuyện những nhà khoa học nữ dấn thân vì môi trường ở Bắc Cực

Họ là những người phụ nữ đang hết mình ngày đêm vì môi trường trong điều kiện khắc nghiệt nơi vùng cực.

Lọt thỏm giữa những ngọn núi tuyết và các vịnh băng giá của Svalbard, một quần đảo của Na Uy ở Bắc Băng Dương, Ny-Alesund là một trạm nghiên cứu quốc tế nhỏ nằm phía cực Bắc của trái đất. Trong những tháng mùa đông, nơi đây chìm trong giá lạnh khắc nghiệt của màn đêm không dứt do không bao giờ thấy ánh mặt trời.

Thế nhưng những năm gần đây, nhiệt độ ở Svalbard đã ấm lên một cách rõ ràng với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu, gây nhiều thay đổi đáng lo ngại với môi trường. Kể từ năm 1991, nhiệt độ trung bình vào mùa đông tại Bắc Cực đã tăng 6-8 độ C. Mùa hè năm ngoái, một đợt nắng nóng cực đoan đã làm các chỏm băng quần đảo nơi đây tan chảy.

Trước những thay đổi đáng lo ngại của khí hậu, hàng chục nhà khoa học từ hơn 10 quốc gia đã kéo đến vùng đất khắc nghiệt này để nghiên cứu, và nhiều trong số họ là phụ nữ.

Cuốn hút bởi những nhà khoa học nữ cống hiến cuộc đời để tiến hành nghiên cứu khí hậu trong môi trường đầy thách thức của Bắc Cực, năm 2021, nhiếp ảnh gia Esther Horvath, người chuyên chụp ảnh các cuộc thám hiểm khoa học ở vùng cực đã quyết tâm dấn thân trong giá lạnh để theo chân và ghi lại cuộc sống của những nhà nghiên cứu này.

Nhà nghiên cứu Bettina Haupt
Nhà nghiên cứu Bettina Haupt

Những tấm hình trong triển lãm “Những ngôi sao đêm vùng cực” của cô không chỉ truyền tải tinh tế cuộc sống cũng như sự tận tụy trong hành trình nghiên cứu của các nữ khoa học, mà còn nhằm truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học nữ và các nữ thám hiểm trẻ.

Mỗi người phụ nữ được mô tả trong bức hình của Esther Horvath được chụp bên những thiết bị đặc thù trong công việc của họ. Dưới điều kiện làm việc khắc nghiệt khi thường xuyên tiếp xúc với bão tuyết và nhiệt độ âm 30 độ, thế nhưng ở họ đều toát lên một điểm chung là sự quan tâm và tình yêu dành cho môi trường.

Những dữ liệu về các địa điểm tại vùng cực hết sức cần thiết để các nhà khoa học đánh giá sự thay đổi của trái đất. Chiếc khí cầu khí tượng mà Bettina Haupt đang cầm được gắn thiết bị do thám (radiosonde) để đo nhiệt độ, độ ẩm và áp suất khu vực. Mỗi ngày, một “quả bóng” như vậy lại được thả ở Ny-Alesund. Theo Haupt, nghiên cứu này rất quan trọng giúp đem lại “khả năng sinh tồn của chúng ta về lâu dài”.

Kỹ sư Susana Garcia Espada
Kỹ sư Susana Garcia Espada

Susana Garcia Espada, kỹ sư vận hành tại Đài quan sát trắc địa đứng trong ánh sáng của kính viễn vọng vô tuyến rộng 20 mét của đài quan sát. Các ăng-ten khổng lồ do thám tín hiệu từ các thiên thể xa xôi được gọi là quasar cách xa tới 13 tỷ năm ánh sáng. Các ánh sáng xung có thể cho các nhà nghiên cứu biết trái đất ở đâu trong không gian, tốc độ quỹ đạo của nó quanh mặt trời và lớp vỏ của nó đang di chuyển nhanh như thế nào. Cách này còn giúp các nhà khoa học như cô theo dõi chính xác hơn mực nước biển dâng và băng tan.

Nhà khoa học Julia Martin.
Nhà khoa học Julia Martin.

Trong khi đó, Julia Martin cầm một đầu dò độ sâu tuyết tự động để đo độ dày của lớp tuyết. Julia là một nhà khoa học nghiên cứu về tuyết, đang nghiên cứu cách tuyết ảnh hưởng đến quá trình tan băng vĩnh cửu.

Tuyết vào mùa đông có thể đóng vai trò như chất cách nhiệt giúp giữ ấm cho mặt đất bên dưới như chiếc “chăn bông”. Vào mùa xuân, tuyết có thể phản xạ mạnh bức xạ mặt trời giúp mặt đất mát mẻ.

"Tôi không thể cứu mọi người nhưng tôi sẽ cố gắng cứu hành tinh này bằng cách chỉ vào tiếng kêu cứu, vết thương chảy máu và vết sẹo của Trái đất. Đối với tôi, những nơi dễ bị tổn thương nhất và đẹp nhất trên Trái đất của chúng ta nằm ở các vùng vĩ độ cao, nơi tuyết tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hấp dẫn với màu trắng và mùa đông bất tận.

Băng quyển cần được bảo vệ vì nó cực kỳ nhạy cảm và mong manh mặc dù các khối băng có vẻ rất lớn và tồn tại lâu dài. Đó là những gì tôi đang cố gắng làm. Khoa học là cách mạnh mẽ của tôi để đánh thức mọi người và cho xã hội thấy chúng ta sẽ mất gì nếu chúng ta tiếp tục chỉ nghĩ đến bản thân mình khi không ai muốn thay đổi", cô Julia Martin chia sẻ.

Cô Signe Maria Brunk
Cô Signe Maria Brunk

Rời Thụy Điển chuyển tới Svalbard từ năm 2016, Signe Maria Brunk chuyển hướng từ ngành du lịch sang nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc bảo tồn thiên nhiên, hệ thực vật và động vật đặc biệt ở Svalbard. Ở đây, cô được thỏa mãn niềm đam mê của mình là phiêu lưu và nghiên cứu khoa học.

Nhà động vật học biển Charlotte Havermans
Nhà động vật học biển Charlotte Havermans

Khi Bắc Cực ấm lên làm thay đổi hệ sinh thái khu vực. Các nhà khoa học bắt đầu ghi nhận sự hiện diện của loài sứa mũ bảo hiểm, một loài thường thấy nhiều ở vùng nước ôn đới. Là một nhà động vật học biển, Charlotte Havermans đến từ Đức đứng với một chiếc lưới để lấy mẫu loài sứa này. Sử dụng DNA từ môi trường để phát hiện các động vật ngoài khơi Ny-Alesund, từ đó mở rộng sự phán đoán xa hơn tại Bắc Cực.

Minh Nguyễn (theo National Geographic)

Kristi S.Anseth, nhà khoa học “dạy” cơ thể tự chữa lành

Kristi S.Anseth, nhà khoa học “dạy” cơ thể tự chữa lành

Công trình nghiên cứu nữ giáo sư đã giúp cải tiến các phương pháp điều trị y tế cho nhiều phần cơ thể.