Ở tuổi 23, Lê Thị Thanh Trà, một người trẻ đến từ Vĩnh Long đã chọn gắn bó với thư pháp như một cách sống. Là sinh viên nghành Kiến trúc nhưng lại bén duyên với nghệ thuật viết thư pháp chữ Quốc ngữ từ năm 2019, Thanh Trà không chỉ xem thư pháp là đam mê mà còn là hành trình chữa lành và lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống đến với cộng đồng trẻ.
Với phong cách dung hòa giữa nét bút cổ điển và cách tiếp cận hiện đại, Trà đang lặng lẽ truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ nhìn lại vẻ đẹp của cội nguồn.
![]() |
Thanh Trà không chỉ xem thư pháp là đam mê mà còn là hành trình chữa lành và lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống đến với cộng đồng trẻ. |
Tạp chí Phụ nữ Mới đã có cuộc trò chuyện với Thanh Trà xoay quanh hành trình gìn giữ nét đẹp thư pháp giữa thời hiện đại, cũng như những trăn trở, hi vọng của một người trẻ dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật truyền thống này.
PV: Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với thư pháp, một bộ môn tưởng chừng rất xa lạ với thế hệ trẻ?
Thư pháp gia Thanh Trà: Mặc dù gia đình mình không có truyền thống thư pháp nhưng việc được tiếp cận với phim ảnh, các tác phẩm văn học trên ghế nhà trường về hình ảnh “thầy đồ - ông đồ” như bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên; hình ảnh một Huấn Cao uyên bác tài năng trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân… đã thôi thúc và tạo động lực để mình tìm đến với bộ môn thư pháp này.
Đúng là bộ môn này có vẻ khá là đặc biệt với giới trẻ, các bạn trẻ ngày nay thường tìm đến âm nhạc, du lịch hay các bộ môn khác để chữa lành. Nhưng bản thân mình cũng là một người yêu văn hoá, yêu lịch sử nên khi chọn đến với thư pháp, mình có thể vừa giữ được tâm an nhiên vừa có thể tiếp nối văn hoá truyền thống, để bộ môn này không bị mai một dần như hình ảnh “Ông đồ” trong bài thơ của Vũ Đình Liên.
PV: Với vai trò là một người trẻ mang đam mê truyền thống, điều gì khiến bạn tâm huyết nhất khi chia sẻ về thư pháp với cộng đồng?
Thư pháp gia Thanh Trà: Tất nhiên, thư pháp là một bộ môn khá đặc biệt đối với người trẻ như mình. Mình bắt đầu làm quen với thư pháp từ năm 2019, nhưng so với các bậc tiền bối thì tuổi nghề vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, mình luôn tự nhắc bản thân phải không ngừng học hỏi và rèn luyện thêm mỗi ngày.
Trong hành trình lan tỏa thư pháp, đối tượng mà mình tiếp cận và hướng đến chủ yếu là các bạn trẻ, những người cùng thế hệ. Điều này đòi hỏi mình phải có cách truyền tải linh hoạt, gần gũi hơn so với lối truyền thống, nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của thư pháp là “chân – thiện – mỹ”.
Bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, mình cũng cố gắng chuyển hóa những kiến thức đó thành một hình thức kể chuyện hiện đại, dễ tiếp cận hơn. Ví dụ, khi có người xin chữ và hỏi về ý nghĩa, mình thường giải thích dựa trên chiết tự Hán – Nôm. Chẳng hạn như chữ “nhẫn” gồm hai phần: “dao” ở trên và “tâm” ở dưới, như một con dao kề bên trái tim, nhắc nhở rằng để sống được với chữ “nhẫn” là phải biết chịu đựng và kiềm chế. Mình muốn người nghe không chỉ hiểu ý nghĩa, mà còn cảm được tinh thần của từng con chữ.
PV: Bạn từng viết: “Viết con chữ, chữa tâm hồn”, nghệ thuật này đã “chữa lành” bạn ra sao?
Thư pháp gia Thanh Trà: Thư pháp là một bộ môn có khả năng chữa lành rất lớn, bởi quá trình luyện chữ đòi hỏi sự chậm rãi, nhẹ nhàng và đặc biệt là tính kiên nhẫn. Viết thư pháp không phải chỉ luyện trong ngày một ngày hai, mà là hành trình dài có khi là luyện cả đời. Theo thời gian, nét chữ của người viết cũng dần thay đổi, trưởng thành hơn, thấm đượm tính “đời” và sự từng trải.
Trước khi đến với thư pháp, mình đang ở độ tuổi mới lớn, một giai đoạn non trẻ và nhiều bất đồng trong suy nghĩ. Lúc đó, mình sống khá cảm tính. Nhưng từ khi gắn bó với thư pháp, mình học được cách sống chậm lại, trầm tĩnh hơn, suy nghĩ cũng tích cực và sâu sắc hơn. Đó là lý do mình gắn bó với bộ môn này như một niềm đam mê suốt nhiều năm qua, và cũng mong muốn lan tỏa sự an yên đó đến mọi người, nhất là các bạn trẻ đang sống giữa guồng quay của xã hội hiện đại, nơi mà áp lực dễ khiến con người rơi vào lối sống cá nhân cực đoan.
PV: Bạn có thể chia sẻ về một tác phẩm khiến bạn nhớ nhất: một chữ, một lần viết, hoặc một phản hồi đặc biệt từ khán giả?
Thư pháp gia Thanh Trà: Mình rất yêu thích việc sáng tạo kết hợp giữa viết và vẽ, nên trong quá trình làm thư pháp, có nhiều tác phẩm khiến mình cảm thấy đặc biệt tâm đắc. Một trong số đó là bức “Tâm Đức”, được cách điệu thành hình dáng của Đạt Ma Tổ Sư, vị tổ sáng lập Thiền tông.
![]() |
Tác phẩm “Tâm Đức” được thư pháp gia Thanh Trà sáng tạo theo hình tượng Đạt Ma Tổ Sư, vị tổ sáng lập Thiền tông. |
Với mình, nét đẹp của chữ thư pháp đã là một giá trị quý, còn nét đẹp hội họa lại mang một giá trị khác. Khi hai yếu tố này được kết hợp, người xem không chỉ đọc chữ mà còn có thể chiêm nghiệm hình ảnh, từ đó cảm nhận tác phẩm ở chiều sâu hơn, cả về nghệ thuật lẫn tinh thần. Vì vậy, đây là một tác phẩm để lại nhiều cảm xúc trong mình và cũng là một cột mốc nhỏ trong hành trình sáng tạo cá nhân.
PV: Bạn nhìn nhận thế nào về sự quan tâm của giới trẻ hiện nay đối với văn hóa truyền thống? Có điều gì khiến bạn lạc quan?
Thư pháp gia Thanh Trà: Thời gian gần đây, mình nhận thấy giới trẻ ngày càng quan tâm hơn đến văn hóa và lịch sử dân tộc. Điều này thể hiện qua những xu hướng như “phú quý sinh lễ nghĩa” quay trở lại đời sống thường nhật. Đó thật sự là một tín hiệu rất đáng mừng.
Rất nhiều dự án văn hóa được khởi xướng và lan tỏa mạnh mẽ, từ phong trào mặc cổ phục chụp ảnh, xuống phố, đến việc các bạn trẻ chủ động học nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh hay nghiên cứu trang phục, hoa văn, lễ nghi truyền thống. Những hoạt động ấy không chỉ giúp giới trẻ hiểu hơn về cội nguồn mà còn cho thấy một tinh thần tự hào dân tộc rất rõ ràng.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, mình cho rằng việc giữ gìn và làm nổi bật bản sắc văn hóa chính là cách để người Việt khẳng định dấu ấn riêng trong mắt bạn bè quốc tế. Và đó cũng là điều khiến mình lạc quan, vì thế hệ trẻ đang không chỉ tiếp nhận mà còn chủ động gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc theo cách rất sáng tạo và hiện đại.
PV: Thư pháp có vẻ ngoài “tĩnh”, nhưng thực ra lại rất sống động. Khi dạy hay viết cho người mới, bạn thường truyền đạt điều gì đầu tiên?
Thư pháp gia Thanh Trà: Khi chia sẻ thư pháp cho người mới bắt đầu, dù là học nghiêm túc hay chỉ muốn trải nghiệm, mình luôn bắt đầu bằng việc hướng dẫn luyện những nét cơ bản nhất: nét ngang, nét dọc, tạo nên những “hàng rào mực” ngay ngắn, đều đặn. Đây là giai đoạn đầu tiên giúp người học làm quen với bút, kiểm soát mực và quan trọng hơn cả là rèn luyện sự kiên nhẫn.
![]() |
Thư pháp gia Thanh Trà chụp ảnh lưu niệm tại một buổi workshop chia sẻ về nghệ thuật thư pháp với các bạn trẻ. |
Khoảng thời gian này thật sự không dễ dàng, dễ chán nản và dễ bỏ cuộc, nhưng lại chính là lúc mà người viết bắt đầu hành trình “chữa lành” tâm hồn. Mình thường ví đó như một giọt mưa rơi xuống mặt hồ: ban đầu còn tạo sóng, lay động, nhưng rồi cũng sẽ lặng lẽ hoà vào mặt nước, trở thành một phần trong sự tĩnh lặng ấy lúc nào không hay.
PV: Bạn có thể chia sẻ về thời điểm bạn chính thức quyết định thành lập “Tịnh Thủy Đường” không, và liệu cái tên ấy có ý nghĩa đặc biệt gì?
Thư pháp gia Thanh Trà: Thật ra để giải thích đầy đủ ý nghĩa thì nó mang tính học thuật về chiết tự Hán Nôm chuyên sâu. Có thể giải thích đơn giản nhất là mình tên Thanh Trà, lấy tự là Tịnh Thuỷ, có nghĩa là một dòng nước lặng yên bình. Chiêu Nga là hiệu, có nghĩa là một cô gái tỏa sáng. Nên khi đặt tên một thương hiệu cá nhân mình dùng tên tự của mình để đặt và dùng chữ “Đường”, tên gọi xưa của kiến trúc một gian nhà lớn. Tổng quan tên Tịnh Thủy Đường thể hiện một mong muốn về một cuộc sống an nhiên, thanh tịnh và thỏa sức với đam mê.
PV: Nếu được chọn một chữ duy nhất để nói về hành trình của bạn với thư pháp từ năm 2019 đến nay, bạn sẽ chọn chữ gì?
Thư pháp gia Thanh Trà: Không chỉ là trong hành trình thư pháp được đúc kết trong cuộc sống, mình nghĩ chữ phù hợp nhất đến thời điểm hiện tại là chữ “Vô”, không có gì. Mọi thứ đến và đi đều là duyên, tất cả đều rất vô thường, bản thân học được cách chấp nhận với mọi thứ để có thể lạc quan và an nhiên hơn, có thể là chuyện tốt hoặc có thể là chuyện không tốt. Khi mà bản thân càng “muốn” nhiều thứ thì bản thân càng đau khổ. Như trong hành trình thư pháp, không lo nghĩ điều gì cả, mình chỉ viết và muốn chia sẻ để mọi người cũng viết một cách vui vẻ như mình, rất nhiều cơ duyên, rất nhiều thuận lợi đến với bản thân. Những chuyện bất trắc hay phiền phức xảy ra thì mình vẫn chấp nhận và bình thường với việc đó vì mọi thứ đều có cơ duyên của nó.
![]() |
Thư pháp gia Thanh Trà tại một triển lãm thư pháp, nơi cô giới thiệu các tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, kết hợp giữa nét truyền thống và tinh thần sáng tạo của người trẻ. |
PV: Cuối cùng, bạn có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn theo đuổi một con đường nghệ thuật truyền thống nhưng chưa dám bắt đầu?
Thư pháp gia Thanh Trà: Mình từng nghe rất nhiều chia sẻ từ những anh chị lớn tuổi hơn rằng khi còn trẻ, họ từng muốn học một nhạc cụ, muốn học thêm ngoại ngữ, muốn làm điều gì đó đặc biệt để khác biệt. Nhưng rồi guồng quay cơm áo gạo tiền, áp lực tài chính khiến mọi đam mê dần bị đẩy lùi. Họ vẫn sống, vẫn đi làm, nhưng lại luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Khi rảnh rỗi, họ chỉ biết lướt điện thoại, xem phim, nghe nhạc để giết thời gian, rồi sau đó lại tiếc nuối vì đã bỏ lỡ những năm tháng thanh xuân đáng lẽ có thể làm được nhiều điều hơn cho bản thân và cho xã hội.
Vậy nên, nếu bạn đang có thời gian dù chỉ là một chút thì bạn hãy bắt đầu. Hãy thử dấn thân vào con đường nghệ thuật mà mình yêu thích, nhất là nghệ thuật truyền thống, bởi vì đó không chỉ là hành trình làm giàu cho tâm hồn mà còn là cách bạn gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hoá quý giá cho cộng đồng. Khi làm điều gì đó có ý nghĩa, bạn không chỉ đang sống, mà đang sống sâu sắc hơn. Và đó là điều rất đáng để bắt đầu ngay từ hôm nay.
PV: Cảm ơn những lời chia sẻ chân thành từ Thanh Trà. Chúc bạn luôn giữ được ngọn lửa đam mê để tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp của thư pháp Việt đến với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Lần đầu ra thị trường, dưa lưới tạo hình thư pháp "cháy hàng", hút khách
Vừa được tạo hình thư pháp độc đáo, vừa có tuổi thọ lưu giữ lâu, chất lượng thơm ngon nên dưa lưới khắc thư pháp đang được nhiều người ưa chuộng.