GS.TS Vũ Thị Thu Hà: " Nhà khoa học gặp ma trận khó khăn"

Để lấy kinh phí theo đuổi đam mê nghiên cứu, GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã cắm sổ đỏ ngôi nhà của mình.

Tại Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc sáng 30/12, GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, chưa bao giờ đất nước cần động lực khoa học và công nghệ như lúc này để phát triển các ngành, lĩnh vực.

Được đào tạo khá bài bản từ lúc trẻ tại một quốc gia có nền KHCN phát triển, GS.TS Vũ Thị Thu Hà có 32 năm gắn bó trực tiếp với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Làm việc trong một môi trường “cận tới hạn”, tức là môi trường Tự chủ, tự chịu trách nhiệm ngay từ khi tổ chức được thành lập nên, nhà khoa học phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính. Theo GS Hà , mỗi nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu, nhà khoa học phải mất đến 50% năng lượng để làm những công việc không liên quan gì đến khoa học nhưng không làm thì không thể thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, bà và các đồng nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KHCN và ĐMST, tạo ra nhiều sản phẩm từ 100% nội lực Việt Nam, đã được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường rõ rệt. Trong quá trình vận hành như vậy, chúng tôi cũng có được rất nhiều bài học thực tiễn.

GS Vũ Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc sáng 30/12/2024
GS Vũ Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc sáng 30/12/2024

Ở bất kỳ hội nghị, hội thảo nào, ý kiến phát biểu của GS.TS Vũ Thị Thu Hà cũng thu hút sự chú ý bởi cách nói thẳng, nói trúng đầy tâm huyết xuất phát từ những kinh nghiệm, tích lũy từ thực tiễn. Tại cuộc gặp mặt Tổng bí thư Tô Lâm, bà đề cập đề cập tới một phần nhỏ trụ cột thứ ba và thứ tư trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết trung ương số 57: đó là nhanh chóng thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 57 để đi vào thực tiễn, theo hướng có thể giải phóng được 100% nội lực KHCN và ĐMST quốc gia, từ đó tối đa hóa giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nhờ KHCN và ĐMST, mở ra cơ hội tham gia bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường bền vững.

 GS Hà mong muốn, với một số lĩnh vực KHCN phù hợp cần mạnh dạn thực hiện cơ chế quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả về tài chính, hướng tới mục tiêu đề ra, giải phóng 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho chuyên môn. Bà đề xuất, ngay khi thực hiện đề tài nhiệm vụ nên đi kèm mức kinh phí cho nghiên cứu để giảm ít nhất 5-7 cuộc họp mà ở đó các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu có khi phải mặc cả, lên xuống từng đồng.

“Các nhà khoa học đều mong muốn có được các chính sách tạo ra động lực để đam mê và cống hiến hết mình. Ngay cả khi đã có được điều đó thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng sẽ còn gặp những “ma trận” những khó khăn khách quan, nên chúng tôi mong muốn những nhà quản lý KHCN hãy thực sự thấu hiểu, đồng hành, tháo gỡ bằng những biện pháp khả thi”- GS.TS Vũ Thị Thu Hà nói.

Cũng theo GS.TS Vũ Thị Thu Hà,  cần sớm đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Vùng đệm -hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, thương mại hóa thử nghiệm . Cụ thể là phải tạo môi trường sao cho nhà nước và doanh nghiệp đặt những đề bài “thực chiến” “thiết thực” “đổi mới sáng tạo” và nhà khoa học/tổ chức khoa học nhận đặt hàng thì đủ “công cụ”, “đủ tài chính” “hành lang thông thoáng” để làm đến cùng, làm “thực chiến”. Nói khác đi, đó chính là đầu tư có trọng tâm và đầu tư đến “ngưỡng”, tạo động lực quan trọng vượt qua “điểm nghẽn” trên con đường đi từ phòng thí nghiệm tới nhà máy.

Nữ GS khẳng định cần ưu tiên các hướng nghiên cứu về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Cụ thể, trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội phát triển nhu cầu vật liệu và năng lượng tăng cao trong khi tài nguyên hóa thạch và khoáng sản đang dần cạn kiệt và suy giảm chất lượng, cần chú trọng ưu tiên phát triển các quá trình chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời, cần chú trọng phát triển nguồn tài nguyên tái tạo và các công nghệ chế biến sâu đi kèm. Cần hiểu biết sâu sắc lợi thế đặc thù về nguồn nguyên liệu của Việt Nam trước các nhu cầu về vật liệu trên thế giới để có những chính sách thúc đẩy nhanh chóng quá trình chế biến sâu, trước khi những nguồn lợi đó bị thất thoát hoặc giảm tính cạnh tranh.

P.V

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học

Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, khoa học có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.