Nữ Giáo sư người Việt trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai là 2 nhà khoa học người Việt vừa được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới.

Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) đã bầu chọn 74 viện sỹ mới. Hai nhà khoa học Việt Nam góp mặt trong danh sách lần này là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, và Giáo sư-Tiến sỹ (GS.TS) Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

  Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai. (Nguồn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai. (Nguồn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai từng tốt nghiệp ngành hóa học Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), sau đó, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại trường Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản). Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam.

Bà Mai được công nhận phó giáo sư năm 2014 và công nhận là giáo sư vào năm 2020.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đứng đầu 14 dự án nghiên cứu và xuất bản 90 bài báo quốc tế và 80 bài báo quốc gia. Với những thành tích nổi bật, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đạt được Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 và Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021, cùng nhiều giải thưởng khác.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng là tác giả của công trình "Hoạt tính ức chế xanthine oxidase của cây thuốc Việt Nam," nghiên cứu 288 chiết xuất từ 96 loại cây để điều trị bệnh gout, tiên phong trong việc kết hợp y học cổ truyền Việt Nam với khoa học hiện đại.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS Mai đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019.

Gần đây, nữ giáo sư tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. 

Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Hóa dược là một ngành học, ngành nghiên cứu, một lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao trong nước. Trong quá trình giảng dạy, GS Mai luôn đem tình yêu đối với Hóa dược, với khoa học đến sinh viên, học viên của mình.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai có quan điểm làm khoa học rất nghiêm túc: “Để làm một nhà khoa học thì đầu tiên phải ham học hỏi, phải có đam mê, thường xuyên nâng cấp kiến thức của mình, đọc và học nhiều. Phải có một sự nhạy cảm nhất định của một nhà khoa học. Nhà khoa học cũng rất cần đến sự quyết tâm và kiên trì, dám dấn thân vào những điều mới mẻ.

Đặc biệt hiện nay nghiên cứu khoa học không nên nhìn nhận là một ngành riêng lẻ mà là liên ngành. Như hóa học phải liên kết với y, sinh, môi trường thì mới ra được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện. Chính vì vậy người làm khoa học cần có tinh thần hợp tác, biết kết nối, giao lưu thì mới có những công trình giá trị”.

PV/Tổng hợp

Nữ giáo sư gây ấn tượng với thần thái nổi bật tại Lễ trao VinFuture 2023 là ai?

Nữ giáo sư gây ấn tượng với thần thái nổi bật tại Lễ trao VinFuture 2023 là ai?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đã gắn bó với Giải thưởng VinFuture ngay từ những ngày đầu tiên.