Đây là chia sẻ từ lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) trong Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, nơi chủ trương đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo hình thức đối tác công tư (PPP) được thông qua.
Theo kế hoạch, dự án mở rộng cao tốc sẽ do CII cùng liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần Tasco thực hiện. Đây là dự án trọng điểm có tổng chiều dài 91,126 km, với mức đầu tư lên đến 38.694 tỷ đồng. Tuyến đường giữ vai trò huyết mạch trong việc kết nối TP.HCM với miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sân bay Long Thành và các cảng biển lớn của khu vực miền Nam.
Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông cấp bách, dự án còn được đánh giá cao về tính khả thi tài chính và tiềm năng mang lại lợi nhuận dài hạn. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, giảm áp lực giao thông và mở ra cơ hội lớn cho phát triển bền vững tại khu vực miền Nam.
Đại hội đồng cổ đông bất thường CII năm 2024 thông báo cổ đông về việc tham gia đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: Viên Trần. |
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết công ty hiện đang nắm 89% cổ phần trong dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Việc tiếp tục đầu tư vào giai đoạn mở rộng không chỉ tối ưu hóa hiệu quả danh mục đầu tư mà còn đảm bảo tính bền vững và ổn định cho tương lai. Ví dụ như khâu giải phóng mặt bằng với kinh nghiệm tích lũy từ các giai đoạn trước sẽ được giải quyết thuận lợi hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
"Doanh thu từ các dự án giao thông do CII quản lý đang tăng trưởng vững chắc. Giai đoạn 2023-2024, doanh thu phí ghi nhận mức tăng 26-28% so với năm trước, trong khi chỉ trong nửa đầu tháng 1/2025, mức tăng đạt gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực ĐBSCL và nhu cầu vận tải ngày càng cao, các dự án cao tốc như TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ mang lại nguồn thu ổn định và đầy tiềm năng trong tương lai", ông Bình chia sẻ.
Ông Bình lý giải việc CII chọn đầu tư giao thông vào khu vực miền Tây vì đây là vùng trọng điểm với hệ thống giao thông chủ yếu dựa vào đường bộ. Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu vận tải tăng và khi cao tốc phát triển, tần suất sử dụng đường sẽ cao hơn, tạo cơ hội lớn cho các dự án giao thông. Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận tập trung 80% lưu lượng xe và dự kiến thu phí đến khi hoàn vốn. Đối với đoạn từ TP.HCM đến Trung Lương, sau khi hoàn tất xây dựng giai đoạn 2, dự án sẽ được chuyển giao và đưa vào vận hành chính thức.
Theo báo cáo từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có tổng chiều dài khoảng 91 km.
Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với chiều dài 40 km, quy mô 4 làn xe, nhưng đã giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2022, có chiều dài 51 km, với quy mô 4 làn xe, tuy nhiên, diện tích mặt bằng đã được giải phóng cho 6 làn xe.
Trước nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng và khó khăn trong việc cân đối vốn ngân sách để mở rộng tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã đề xuất phương án mở rộng toàn tuyến theo hình thức PPP. Cụ thể, đoạn TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, còn đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe.
Tại đại hội cổ đông, Hội đồng Quản trị CII đã trình bày kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi nhằm huy động nguồn vốn lớn. Gói đầu tiên có giá trị phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng, và gói thứ hai là 2.500 tỷ đồng. Các trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm và được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông với giá 12.281 đồng/cổ phiếu.
Trong thời gian tới, nhu cầu vốn của CII được đánh giá là rất lớn. Trước tiên, công ty con Năm Bảy Bảy (NBB) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu dân cư NBB Garden III tại quận 8, TP.HCM, với tổng mức đầu tư lên đến 4.478 tỷ đồng. Để hỗ trợ NBB, CII cần chuẩn bị nguồn vốn tối thiểu 30% tổng mức đầu tư, tương đương 1.343 tỷ đồng.
Ngoài ra, CII sẽ tham gia đầu tư hoặc đấu thầu hai dự án cầu đường lớn với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 45.000 tỷ đồng. Hai dự án này bao gồm việc mở rộng đường cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và phát triển dự án đường trên cao Quốc lộ 51.
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII, cho biết công ty đã xây dựng kế hoạch dòng tiền chi tiết trong 10 năm với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Dự kiến, lợi nhuận năm 2029 sẽ đạt đỉnh, trong khi các năm 2026-2027 là giai đoạn đầu tư trọng điểm. Đến năm 2030, khi toàn bộ các dự án giao thông hoàn thành, CII sẽ bước sang giai đoạn tăng trưởng mới.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, doanh thu thuần của CII đạt 706,5 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.283,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7%. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả của CII đã tăng gần 5% so với đầu năm, lên mức 25.815 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm 75%, tương ứng 19.259 tỷ đồng.
Khách hàng "tố" nhân viên Cty CP Vega Holidays thao túng tâm lý và tư vấn thiếu trung thực để bán kỳ nghỉ
Nhân viên Cty Vega Holidays đã tư vấn không trung thực nhằm đưa mình vào “bẫy” sở hữu kỳ nghỉ với số tiền lên tới 296 triệu đồng trong vòng 15 năm…